Bộ Quốc phòng phản hồi kiến nghị "đi nghĩa vụ quân sự trước khi học đại học"

PV-Thứ ba, ngày 31/01/2023 10:54 GMT+7

Các thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Bộ Quốc phòng cho biết, do nhiều yếu tố nên chưa thể gọi hết nam thanh niên nhập ngũ; hằng năm chỉ gọi nhập ngũ từ 3,0 đến 3,2% tổng số thanh niên độ tuổi thực hiện NVQS.

Vừa qua, cử tri tỉnh Thái Bình đã có đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, quy định theo hướng tất cả nam thanh niên đến tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự; sau đó mới được đi học đại học hoặc học nghề để đảm bảo tính nghiêm minh và công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền cơ sở gọi thanh niên nhập ngũ.

Về vấn đề này, Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời như sau:

Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016; cùng với các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn Luật được ban hành, điều chỉnh một số nội dung cơ bản như: Quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự (NVQS), đối tượng tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ trong thời bình; công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; tiêu chuẩn tuyển chọn về độ tuổi gọi nhập ngũ, sức khỏe, văn hóa, chính trị, đạo đức; chế độ chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ và thân nhân; chế tài xử phạt... đã tạo hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về NVQS. Sau hơn 7 năm thực hiện đã góp phần quan trọng đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương, đơn vị.

Thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, hằng năm công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ để bổ sung quân số cho các đơn vị thường trực và thay quân theo luật định, tạo nguồn lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao; góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Thực tiễn, quá trình triển khai thực hiện đã có những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhất định; trong đó có một số vấn đề mà cử tri tỉnh Thái Bình đã phản ánh đó là thực hiện công bằng xã hội đối với mọi nam thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ; theo quy định của Luật NVQS 2015, mọi công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện NVQS. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế đất nước còn hạn hẹp và nhiều yếu tố khác chi phối; nên chưa thể gọi hết nam thanh niên nhập ngũ; hằng năm chỉ gọi nhập ngũ từ 3,0 đến 3,2% trong tổng số thanh niên ở độ tuổi thực hiện NVQS.

Bộ Quốc phòng tiếp thu, nghiên cứu, xem xét báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật NVQS năm 2015 theo chương trình soạn thảo luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật NVQS; nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, và các bộ ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực NVQS bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện góp phần thực hiện công bằng trong công tác tuyển quân.

Công tác khám tuyển NVQS ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức

Cử tri tỉnh Thái Nguyên cũng có đề nghị Bộ Quốc phòng có văn bản hướng dẫn để đảm bảo sự thống nhất trong chỉ đạo việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự ở địa phương và khám phúc tra sức khỏe ở đơn vị nhận quân (nếu cần làm các xét nghiệm lâm sàng thì tiến hành ngay từ khi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự ở địa phương để có kết luận chung, thống nhất giữa địa phương giao quân và đơn vị nhận quân.

Trong văn bản trả lời, Bộ Quốc phòng cho biết: Quy định về khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2015, Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện NVQS.

Qua hơn 7 năm thực hiện Luật NVQS năm 2015 công tác tổ chức khám sức khỏe tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được các địa phương, đơn vị phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ; kết quả tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hằng năm đều đạt 100% chỉ tiêu giao, bảo đảm chất lượng, đúng pháp luật; riêng về sức khỏe loại 1, loại 2 chiếm trên 60%.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện khám sức khỏe thực hiện NVQS đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, nhất là việc tổ chức triển khai thực hiện. Thực tế công tác khám tuyển NVQS ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, còn để công dân không đủ điều kiện, tiêu chuẩn sức khỏe nhập ngũ vào Quân đội như: Di chứng chấn thương để lại, có sẹo bỏng lớn; chấn thương sọ não chưa phục hồi; dương tính với ma túy, tâm thần...; sau phúc tra tiêu chuẩn chiến sĩ mới, phải bù đổi, loại trả.

Về giải pháp, Bộ Quốc phòng cho biết, từ những vấn đề nêu trên theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 16/2016/TTLT-BYT-BQP vào kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật Ngành Y tế năm 2022; đến nay Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng dự thảo Thông tư quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; theo đó, các nội dung địa phương, đơn vị đề nghị đã được nghiên cứu xem xét, đưa vào Thông tư quy định cho phù hợp, thống nhất các quy định khám sức khỏe NVQS giữa địa phương và phúc tra sức khỏe của các đơn vị nhận quân.

Vi phạm quy định về nghĩa vụ quân sự 2023 bị xử phạt ra sao? Vi phạm quy định về nghĩa vụ quân sự 2023 bị xử phạt ra sao?

VTV.vn - Hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự bị phạt tiền đến 35 triệu đồng; không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ bị phạt đến 75 triệu đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước