Bờ sông Ngàn Phố sạt lở nghiêm trọng, người dân mất đất canh tác

PV (Theo TTXVN)-Thứ ba, ngày 19/11/2024 18:36 GMT+7

VTV.vn - Những năm gần đây, do mưa lũ diễn biến phức tạp khiến bờ sông Ngàn Phố đoạn xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh bị sạt lở kéo dài.

Những năm gần đây, do mưa lũ diễn biến phức tạp khiến bờ sông Ngàn Phố đoạn xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh bị sạt lở kéo dài. Tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhiều diện tích trồng chè của người dân đã bị cuốn trôi.

Bờ sông Ngàn Phố sạt lở nghiêm trọng, người dân mất đất canh tác - Ảnh 1.

Khu vực xảy ra sạt lở là vùng đất chuyên canh trồng chè của người dân địa phương. Ảnh: Hữu Quyết /TTXVN

Gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Tiền Phong, xã Sơn Kim 2 có hơn 1ha trồng chè ở khu vực dọc bờ sông Ngàn Phố. Hàng chục năm qua, nhờ có cây chè, đời sống của gia đình chị dần bớt khó khăn. Tuy nhiên, trong khoảng 4 năm trở lại đây, sau mỗi đợt mưa lũ, khu vực đất trồng chè nằm cạnh bờ sông Ngàn Phố đã bị sạt lở. Kéo theo đó, hơn 500m2 đất cùng nhiều cây chè của gia đình chị đã bị sạt lở, cuốn trôi theo dòng nước.

Chị Nguyễn Thị Hương cho hay: "Chúng tôi rất lo lắng vì thu nhập đều phụ thuộc vào việc sản xuất chè. Dọc theo bờ sông, đến nay có khoảng 30 hộ dân bị sạt lở nặng, ngoài ra còn nhiều hộ khác cũng bị sạt với diện tích nhỏ hơn. Đặc biệt 2 năm trở lại đây, việc sạt lở diễn ra nặng nề hơn. Người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng chưa khắc phục được tình trạng sạt lở".

Cũng gặp tình trạng tương tự, hộ anh Nguyễn Văn Toàn (thôn Tiền Phong) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Anh Toàn chia sẻ, cứ vào mùa mưa, nước sông lên cao, chảy xiết gây sạt lở, cuốn trôi nhiều diện tích trồng chè của người dân. Mấy năm gần đây, tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp hơn, nếu không có phương án gia cố bờ sông thì nguy cơ người dân không còn đất canh tác.

Theo người dân thôn Tiền Phong, đồi chè bên sông có diện tích khoảng 100ha. Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông khiến gần 10ha chè bị ảnh hưởng, trong đó có gần 6ha đã bị cuốn trôi xuống sông. Diện tích chè bị sạt lở không thể phục hồi, trong đó có nhiều diện tích chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch, gây ảnh hưởng đến sản lượng cũng như thu nhập của người dân.

Ông Nguyễn Đình Toàn, Trưởng thôn Tiền Phong thông tin, hiện có đến 6 điểm sạt lở ảnh hưởng đến khoảng 60 hộ sản xuất chè. Tổng chiều dài các điểm sạt khoảng 6km, có những vị trí bị sạt vào ăn sâu gần 100m so với trước đây. Những năm qua, chính quyền địa phương cũng rất là quan tâm nhưng không có nguồn kinh phí để khắc phục. Địa phương đã kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền cao hơn để có phương án giải quyết nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có phương án nào tối ưu. Người dân trong thôn đã triển khai trồng cây chắn sạt lở song vẫn bị mưa lũ cuốn đi.

Tình trạng sạt lở bờ sông Ngàn Phố diễn ra nhiều năm nay. Chỉ tính riêng đợt mưa lũ cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua, khu vực đồi chè thôn Tiền Phong bị sạt lở với chiều dài khoảng 600m, chiều rộng 4m. Trước tình trạng sạt lở kể trên, những năm trước, chính quyền địa phương và người dân đã dùng cọc tre gia cố bờ sông, trồng tre để giữ đất. Tuy nhiên, những phương án này không hiệu quả bởi các đợt mưa lũ lớn đều cuốn trôi các cây tre.

Ông Trần Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 cho biết, nếu không có phương án xử lý sớm, tình trạng sạt lở sẽ ngày càng nặng nề hơn. Trước đây dòng nước chỉ chảy qua bên ngoài, còn hiện nay bị đổi dòng, hướng thẳng vào các vị trí xung yếu của vùng đất sản xuất chè. Vì vậy, chính quyền xã kiến nghị cấp trên có phương án bảo vệ đất canh tác cho người dân để hạn chế sạt lở.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước