Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XV, sáng 21/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất - Quốc hội khóa XV.
Tại sao làn sóng COVID-19 thứ 4 lại phức tạp?
Tại Tổ thảo luận số 2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã phát biểu về quãng thời gian chống dịch COVID-19 suốt 2 năm qua. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, "cuộc chiến" chống COVID-19 chưa có trong tiền lệ, mức độ ảnh hưởng rất lớn, tác động sâu sắc đến toàn diện tất cả các mặt kinh tế - xã hội, đời sống của người dân và đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mạng của người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm qua 3 đợt dịch nhưng đợt dịch lần thứ 4 do biến chủng Delta làm "đảo ngược" mọi thành tựu phòng dịch, tác động sâu sắc, kể cả những nước phát triển và những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Chính vì vậy, các nước trên thế giới cũng như Việt Nam căng thẳng khi đối phó với biến chủng Delta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của tất cả tầng lớp nhân dân nên đến thời điểm này đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh làn sóng COVID-19 thứ 4 do biến chủng Delta làm "đảo ngược" mọi thành tựu phòng dịch
Đi sâu hơn về yếu tố kỹ thuật, theo ông Long, qua phân tích về mặt dịch tễ học và sinh bệnh học, khả năng bám dính đối với tế bào niêm mạc đường hô hấp bằng 175% so với chủng cũ. Mức độ nhân lên của virus trong dịch hầu họng và trong dịch đường hô hấp rất cao, tới 1260 lần so với chủng cũ, tốc độ nhân lên của virus trong 48 giờ tạo nên 1 chu kỳ lây nhiễm mới.
Theo ông Long vì điều này, Chính phủ và Bộ Y tế yêu cầu phải xét nghiệm nhanh hơn tốc độ lây nhiễm của nó bởi vì 48 giờ sau virus đã hình thành chu kỳ lây nhiễm mới. Việc lây nhiễm cho người xung quanh cũng tăng lên, trước đây 1-2 người xung quanh nhưng hiện giờ lây đến 5-10 người hoặc có thể hơn.
“Trước đây, ở trong gia đình có thể có người nhiễm hoặc có người không nhiễm, nhưng giờ hầu hết 1 người nhiễm là cả gia đình bị”, ông Long nhấn mạnh sự nguy hiểm của biến thể Delta.
Những quyết định khó khăn
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, khi nhìn lại việc triển khai tất cả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua đã đúc kết được rất nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết việc quyết định giãn cách xã hội thời gian vừa rồi rất khó khăn, nhất là khi giãn cách với 19 tỉnh, thành phía Nam, rồi sau đó là tăng cường giãn cách xã hội, ai ở đâu ở đó, người dân hạn chế ra khỏi nhà.
“Lần này làm cao hơn nhờ Nghị quyết 30 của Quốc hội mở đường cho Chính phủ thực hiện các biện pháp tương tự trường hợp khẩn cấp nhưng không ban bố tình trạng khẩn cấp”, ông Long bình luận.
Triển khai giãn cách xã hội sẽ đi kèm cả câu chuyện lo ăn cho dân trong vùng giãn cách là 1 thách thức lớn. Khó khăn nữa là việc điều quân. “Hơn 300.000 người đã được điều động bao gồm y tế, quân đội, công an.
“Đó là những quyết định rất cam go trong thời khắc lịch sử”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.
Khẳng định lại những kinh nghiệm kế thừa từ những đợt dịch trước, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: "Chúng tôi cho rằng, trong đợt dịch qua, rất nhiều vấn đề kế thừa từ những vấn đề trước đây mà nó nâng tàm lên một mức độ cao hơn và trong cuộc đại dịch biến thể Delta nguy hiểm như vậy".
Không thể triệt tiêu hoàn toàn dịch bệnh
Đối với vấn đề vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh chúng ta đang triển khai chiến lược rất thành công. Bộ Y tế đang đôn đốc các địa phương để quyết tâm quyết tâm phủ vaccine mũi 1 cho khoảng 80% người dân từ 18 tuổi trở lên và lên kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em.
Bộ trưởng cho rằng, chúng ta đang từng bước nghiên cứu để mở rộng đối tượng tiêm. Bởi vì đây là một vaccine phát triển trong thời gian rất ngắn, rất mới nên chúng ta phải tham khảo, trao đổi và học các bài học kinh nghiệm của các nước, mở rộng dần các đối tượng tiêm từ 12 đến 17 tuổi và sang năm 2022 mở rộng đến độ tuổi từ 3 tuổi trở lên.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế chúng ta phải chấp nhận một thực tế là virus ngày càng nhiều biến thể và không thể triệt tiêu hoàn toàn mầm bệnh
Về vấn đề thuốc điều trị, Bộ trưởng cho biết đã triển khai thí điểm trên một quy mô rất là rộng và triển khai cho điểm điều trị có kiểm soát. Thuốc chúng ta chỉ có 2 thí điểm trên một quy mô rất rộng và triển khai thí điểm điều trị có kiểm soát có chung một chương trình nghiên cứu chung của Bộ. Kết quả ban đầu của việc triển khai này rất tốt.
Cuối cùng, nhắc đến việc chuyển trạng thái chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng chúng ta phải chấp nhận một thực tế là virus ngày càng nhiều biến thể và không thể triệt tiêu hoàn toàn mầm bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh muốn chuyển sang thích ứng, an toàn với dịch thì không còn cách nào khác là phải đảm bảo độ phủ vaccine.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!