Chị Phạm Thị Thu Thảo, 36 tuổi, gắn bó với nghề giáo viên mầm non hơn 10 năm, nay bất ngờ rẽ hướng sang làm kỹ thuật viên lái tàu metro số 1. Trở thành "bông hoa" duy nhất trong số 58 lái tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Rẽ hướng bất ngờ
Chị Thảo trong một buổi thực hành trên tàu A2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
"Đối với nhiều người, lái tàu điện là công việc dành cho nam giới. Nhưng nhìn thấy ở Nhật Bản cũng có nhiều người lái tàu điện là nữ, tôi tin rằng mình cũng có thể làm được. Chỉ cần có đủ đam mê thì nam hay nữ không còn quan trọng nữa." chị Thảo mở đầu câu chuyện khi nói về đam mê công việc mới của mình.
Với chị, việc trở thành người lái tàu điện là đam mê được ấp ủ từ lâu, cũng là vận may đến một cách tình cờ. Trong khoảng thời gian tạm nghỉ công việc giảng dạy để tập trung hoàn thành việc học văn bằng 2, chị đã nhìn thấy tin tuyển dụng thuật viên lái tàu metro trên mạng xã hội. Nghĩ là làm, ngay lập tức chị nộp đơn ứng tuyển và trở thành một phần của đội ngũ vận hành tuyến metro số 1.
Nhớ lại thời khắc trúng tuyển, chị Thảo không giấu được niềm vui sướng. Chị tin rằng chính niềm đam mê và quyết tâm của mình đã giúp chị tiến gần hơn với ước mơ của mình.
Trong khoảng thời gian được đào tạo tại Trường Cao đẳng Đường sắt để chuẩn bị cho việc lái tàu, khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lòng chị Thảo là được ngồi thử vào buồng lái, trực tiếp chạm vào các thiết bị điều khiển như một người lái tàu thực thụ.
"Mặc dù đã được các thầy hướng dẫn tận tình nhưng tôi vẫn cảm thấy rất run. Trước đây, mình chỉ được nhìn thấy buồng lái tàu trong sách vở và tưởng tượng thì nay đã được trực tiếp ngồi vào. Cảm giác vừa gay cấn vừa sung sướng, bởi từ lâu tôi đã mong ước được làm việc này".
Lái tàu là công việc đối lập hoàn toàn với giáo viên mầm non. Một bên là kĩ thuật, máy móc khô khan, một bên là những mầm non tương lai sống động và tràn đầy tình cảm. Bởi vì rẽ ngang như vậy, chị Thảo đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể bắt kịp với chương trình đào tạo và các bạn học. Tính đến hiện tại, chị Thảo tự hào rằng mình đã hoàn thành tốt việc học để sẵn sàng cho công việc.
''Bóng hồng" duy nhất trong số 58 kỹ thuật viên lái tàu Metro tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh Phương Nhi.
Trong khoảng thời gian học tập, người lái tàu tương lai cảm thấy may mắn vì nhận được sự giúp đỡ từ các học viên khác, là những đồng nghiệp tương lai của chị. Dù có độ tuổi, hoàn cảnh và tính cách khác nhau, họ có cùng mục tiêu là trở thành người lái tàu điện. Chính vì vậy, chị Thảo và các học viên luôn giúp đỡ lẫn nhau trong chuyên môn, để có thể trở thành những người lái tàu vững vàng trong thời gian tới.
Chị Thảo thực hành một thao tác kiểm tra tàu.
Niềm hạnh phúc của người lái tàu
Chị Thảo trong một buổi học thực hành lái tàu. Clip: Nhân vật cung cấp.
Hành trình chinh phục ước mơ trở thành người lái tàu của chị Thảo luôn có sự đồng hành của gia đình. Khi nghe chị chia sẻ về việc sẽ chuyển từ nghề giáo viên sang lái tàu điện, gia đình chị đã ủng hộ chị theo đuổi đam mê.
"Khi tôi nói với cả nhà rằng mình sẽ trở thành người lái tàu, gia đình tôi bảo rằng con thích gì thì cứ làm đi. Bởi vì họ rất hiểu tôi, nên họ luôn ủng hộ những quyết định của tôi. Chồng tôi cũng cố gắng thu xếp thời gian và công việc chăm sóc con nhỏ, giúp tôi chuyên tâm học tập để trở thành lái tàu. Với tôi, gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất, và tôi biết ơn họ rất nhiều".
Hiện tại, mong ước của chị Thảo là tuyến metro số 1 sẽ được vận hành đúng kế hoạch. Sắp tới, các lái tàu sẽ được thực hành trên tuyến metro số 1 để sớm quen với phương thức vận hành của tàu. Trước đây, các kĩ thuật viên lái tàu chỉ được thực hành trên tàu A2, với cơ chế vận hành có phần khác với tàu dùng cho tuyến metro hiện tại.
Trước đây, mỗi khi đi ngang qua tuyến metro số 1 đang được xây dựng, chị Thảo luôn ấp ủ trong mình ước mơ được trở thành người trực tiếp điều khiển tàu. Giờ đây, chị đã tiến gần hơn tới ước mơ của mình. Chị Thảo mong rằng những cô gái khác cũng sẽ can đảm thực hiện ước mơ của mình, dù cho có khó khăn.
Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang đào tạo 58 học viên lái tàu, thời gian đào tạo 1 năm. Học viên sẽ được học cả lý thuyết lẫn thực hành, kết hợp vận hành thử đoàn tàu. Trong số 10 học viên xuất sắc được cử đi Nhật Bản đào tạo sâu, có chị Phạm Thị Thu Thảo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!