Nguyên nhân hàng trăm cá nuôi lồng chết tại Hải Dương là do thiếu oxy. (Ảnh: Dân trí)
Theo thống kê sơ bộ từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương, đến ngày 10/4, các hộ nuôi cá lồng có vay vốn tại một số ngân hàng trong tỉnh bị thiệt hại hơn 50 tỷ đồng, do hơn 600 tấn cá bị chết.
Dư nợ tín dụng cho vay nuôi cá lồng thời điểm này tại một số ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân trong tỉnh sau khi rà soát sơ bộ là hơn 200 tỷ đồng, với hơn 300 hộ vay, tập trung chủ yếu ở Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ.
Các ngân hàng trong tỉnh tiếp tục khẩn trương rà soát khoản vay của các hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại, phối hợp các đơn vị liên quan xác định nguyên nhân và tư vấn, tìm biện pháp tháo gỡ, giảm thiểu thiệt hại; đối chiếu quy định của từng ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước để có biện pháp hỗ trợ phù hợp với từng khách hàng.
Sau vụ việc hàng trăm tấn cá lồng chết bất thường, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã vào cuộc và nhận định, nguyên nhân ban đầu do biến động môi trường (hàm lượng oxy hòa tan thấp, nồng độ khí độc cao vượt giới hạn cho phép) làm suy giảm sức đề kháng trên cá nuôi, là cơ hội cho tác nhân gây bệnh xâm nhập.
Cục Thủy sản yêu cầu Hải Dương thu gom toàn bộ xác cá chết lên bờ xử lý vôi bột và chôn lấp để tránh ô nhiễm môi trường; tuyên truyền người dân không sử dụng cá chết để ăn, chế biến làm thực phẩm cho người hoặc gia súc; vệ sinh sát trùng toàn bộ lưới lồng, dụng cụ nuôi bằng thuốc sát trùng; treo túi vôi xung quanh lồng nuôi, tạo điều kiện trao đổi nước giữa trong và ngoài lồng nuôi.
Đồng thời Cục yêu cầu phối hợp với các đơn vị có chức năng liên quan tiếp tục lấy mẫu nước, mẫu trầm tích và mẫu cá; rà soát, phát hiện và xử lý các nguồn xả thải tại các vùng nuôi cá lồng bè để xác định chính xác nguyên nhân gây chết trên cá nuôi lồng bè; dừng thả nuôi đến khi có kết quả phân tích chính xác của cơ quan chuyên môn và điều kiện môi trường cho phép.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!