Cả nước vẫn còn 337 hồ chứa bị hư hỏng, chưa được bố trí nguồn vốn để sửa chữa nâng cấp, tiềm ẩn nguy cơ vỡ hồ, đập.
Trong số hơn 7.300 đập, hồ thủy lợi trong cả nước mới chỉ có 28% hồ có phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp và 12% số hồ lắp đặt thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du.
Các đập, hồ chứa thủy lợi có chức năng phòng chống, ứng phó thiên tai, điều tiết nguồn nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp lại cải tạo môi trường sinh thái. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Hiện nay, khu vực hạ du đang hình thành các đô thị, thành phố dẫn đến hệ quả hành lang thoát lũ của các hồ chứa thủy lợi đang bị thu hẹp lại. Lưu lượng xả của các hồ chứa nếu xả theo thiết kế sẽ gây ngập lụt cho hạ du.
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ an ninh nguồn nước Quốc gia là khả năng trữ nước của các hồ chứa, dựa trên tổng lượng dòng chảy trong năm cũng như khả năng cắt giảm lũ.
Ngàn Trươi là 1 trong 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Thời điểm năm 2020, tổng dung tích các hồ chứa ở Việt Nam là 70,5 tỷ m3 (bao gồm cả các hồ chứa thủy điện) trên tổng lượng dòng chảy là 836 tỷ m3/năm, khả năng trữ nước đạt 8%. Tính riêng lượng dòng chảy bình quân đầu người của Việt Nam khá lớn, cao hơn cả Mỹ và Trung Quốc. Mặt khác, 90% lượng dòng chảy ở nước ta tập trung vào mùa mưa, chỉ giữ lại chưa đến 10% để sử dụng cho mùa khô.
Nhiều chuyên gia nhận xét công tác vận hành hồ chứa tại Việt Nam đối diện với nhiều thách thức. Hồ chứa đơn hồ đã phức tạp, với hệ thống liên hồ càng gian nan gấp bội. Thực sự đáng lo khi tồn tại thực trạng các chủ hồ vận hành hệ thống theo kiểu "lái mù", bản thân họ thậm chí không nắm rõ được mức độ hiệu quả/hậu quả ra sao. Với các đập thủy điện, cách thức này làm giảm hiệu quả phát điện, ảnh hưởng nhiều đến chiến lược kinh doanh.
Công cụ tính toán hỗ trợ vận hành cũng để lại nhiều đắn đo khi đa phần các hồ đập lớn, các công trình quy mô hoạt động theo cơ chế liên hồ đều chưa có công cụ phần mềm tính toán chuyên dụng, ngược lại đều lựa chọn hình thức giản đơn dạng bảng tính do đơn vị tư vấn hoặc chính đơn vị tự lập ra, vì thế khó đảm bảo yêu cầu thực tế.
Trên địa bàn cả nước có nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ đã xuống cấp nhưng chưa thể xử lý do thiếu vốn. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Để giữ an toàn cho hệ thống đập, hồ chứa thủy lợi trong bối cảnh xã hội phát triển không ngừng, kết hợp biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 36/KL-TW về việc "Đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động.
Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ NN-PTNT đã ban hành văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 114/2018/NĐ-CP.
Về giải pháp công trình sẽ tập trung sửa chữa, nâng cấp các đập hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ, trong đó ưu tiên công trình có nguy cơ rủi ro cao, lưu vực tập trung dòng chảy lũ về hồ nhanh. Kinh phí lấy từ nguồn vốn trung hạn của các địa phương, vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!