Các bệnh viện tại Hà Nội chủ động ứng phó với nguy cơ quá tải điều trị COVID-19

Quỳnh Anh, Phạm Hùng-Thứ sáu, ngày 10/12/2021 19:00 GMT+7

VTV.vn - Việc tuân thủ và thực hiện đúng quy định phần tầng điều trị tránh nguy cơ quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối khi số ca mắc COVID-19 có thể tăng lên trong thời gian tới.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn là hai trong số bệnh viện tuyến cuối được Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ chuẩn bị 300 giường, trong đó có 250 giường ICU điều trị bệnh nhân COVID-19 phân tầng 2, 3. Hiện nay, số ca F0 tăng cao, nhưng theo các bác sĩ, nhờ việc phân tầng điều trị rõ ràng cộng với độ phủ vaccine rộng, tỷ lệ bệnh nhân trở nặng thấp nên tại các bệnh viện này đều mới chỉ đang điều trị khoảng 50% so với khả năng tiếp nhận tối đa.

TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: ''Với 300 giường chúng tôi chuẩn bị 300 nhân lực tham gia. Tất cả được tập huấn đầy đủ. Chúng tôi đang nhận 158 bệnh nhân, trong đó có 20 bệnh nhân nặng, nguy kịch".

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thu Hường - Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng cho biết: ''Hiện tại chúng tôi đang tiếp nhận 120 bệnh nhân, bệnh nhân trở nặng là 20-30 bệnh nhân''.

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, khoảng 80% bệnh nhân COVID-19 hiện nay tại Hà Nội không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Việc tuân thủ và thực hiện đúng quy định phần tầng điều trị có vai trò quan trọng trong việc quản lý, điều trị bệnh nhân hiệu quả đồng thời giảm tải, tránh nguy cơ quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối khi số ca mắc COVID-19 có thể tăng lên trong thời gian tới.

Các bệnh viện tại Hà Nội chủ động ứng phó với nguy cơ quá tải điều trị COVID-19 - Ảnh 1.

Tuy nhiên, công tác tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 của Hà Nội hiện nay không hẳn là không có nguy cơ quá tải. Như đã phản ánh, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng bệnh nhân tự test nhanh dương tính, thuộc phân tầng 1 tự ý tìm đến bệnh viện. Việc này có thể dẫn đến nguy cơ quá tải và làm xô lệch tháp điều trị, ảnh hưởng không tốt đến việc điều trị cho các bệnh nhân nặng ở phân tầng 2, 3.

''Đây là gánh nặng rất lớn đối với ngành y tế khi điều trị cho bệnh nhân tầng 1, sẽ làm mất đi cơ hội cho bệnh nhân tầng 3, cơ hội cho những bệnh nhân có thể cứu sống được", bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thu Hường cho hay.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Thường: ''Bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, theo y học gọi là những người lành mang chủng thì vào bệnh viện là điều không cần thiết, gây lãng phí, nên dành giường bệnh, nhân lực y tế cho những trường hợp thực sự cần''.

Mục tiêu chính trong chiến lược hiện nay là giảm số ca tử vong do COVID-19. Mục tiêu quan trọng này phụ thuộc nhiều vào năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở y tế. Do đó, việc chủ động ngăn ngừa tình trạng quá tải, tuân thủ tháp điều trị là hết sức quan trọng. Bên cạnh nỗ lực của các cơ sở y tế, rất cần sự hợp tác và tuân thủ các quy trình chống dịch của người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước