Còn gần 900 bệnh nhân COVID-19 nặng
Đến thời điểm này đã có hơn 9 triệu người mắc COVID-19 ở nước ta khỏi bệnh. Trong số đang điều trị, còn gần 900 ca nặng. Đây là con số thấp nhất trong nửa năm qua.
Cụ thể, trong gần 1,4 triệu F0 đang điều trị, chủ yếu là trường hợp nhẹ, không triệu chứng, theo dõi tại nhà. Còn 896 ca nặng đang điều trị. Trong đó trường hợp phải thở máy xâm lấn là 109 ca và 3 ca chạy ECMO.
Gần 1 tháng qua, số mắc COVID-19 liên tục giảm. Chỉ còn duy nhất Hà Nội có số ca mắc mới trên 1.000 ca mỗi ngày.
Trong tổng số 10.604 xã/phường đánh giá trên cả nước thì 3/4 thuộc vùng xanh - vùng an toàn, chiếm hơn 73% . Vùng vàng là 16,3%. Vùng cam 9,8%. Riêng số xã, phường thuộc 'vùng đỏ' - tương đương cấp độ 4 chỉ còn 7%.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh lớp 6 tại điểm tiêm chủng trường THCS Lê Quý Đôn, quận Hà Đông. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Kịch bản, phương án phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới
Tổ chức Y tế Thế giới đã cập nhật kế hoạch "Chuẩn bị chiến lược, sẵn sàng ứng phó dịch bệnh" và đề ra các bước cần thiết mà mọi quốc gia cần thực hiện để giải quyết tác nhân lây truyền COVID-19, giảm thiểu tác động của virus tiến tới chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Bộ Y tế cũng đã xây dựng dự thảo các phương án, kịch bản phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, trong đó, tiếp tục nhấn mạnh việc tiêm phòng vaccine là yếu tố quan trọng trong phòng chống dịch bệnh.
Việt Nam đã sẵn sàng 2 phương án phòng dịch bệnh COVID-19 khẩn cấp trong những trường hợp cấp thiết.
Kịch bản đầu tiên là biến chủng Omicron đang xuất hiện phổ biến trong cộng đồng và sẽ giảm dần độc lực. Đồng thời, miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vaccine phòng COVID-19 trong cộng đồng và mắc bệnh, số ca diễn biến nặng và tử vong giảm.
Với kịch bản thứ hai, các biến chủng mới liên tục xuất hiện vẫn có khả năng xảy ra. Các biến chủng này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến chủng đã xuất hiện hoặc biến chủng khác mới hơn. Biến chủng SARS-CoV-2 mới khi xuất hiện sẽ làm giảm hiệu lực bảo vệ của vaccine, gây lây lan nhanh hơn và tăng nguy cơ diễn biến nặng.
Đại diện Bộ Y tế khẳng định, mỗi kịch bản đưa ra không chỉ là kinh nghiệm rút ra trong phòng chống dịch mà căn cứ vào các bằng chứng khoa học và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Đại diện Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, dù Việt Nam chuyển sang bình thường mới hay coi COVID-19 là bệnh lưu hành thì các biện pháp phòng chống dịch vẫn phải tiếp tục tăng cường tùy theo từng mức độ, theo đánh giá của Việt Nam và thế giới theo mức độ phù hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!