Cận cảnh cây trôi di sản 800 tuổi ở Hà Tĩnh

Quang Tiến - Văn Lang-Thứ năm, ngày 31/10/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây trôi hơn 800 năm tuổi tại xã Hương Vĩnh (Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn vươn mình phát triển xanh tươi, tỏa bóng mát cho dân làng.

Cận cảnh cây trôi di sản 800 tuổi ở Hà Tĩnh - Ảnh 1.

Cây trôi cổ thụ ôm lấy khuôn viên Nhà văn hóa cộng đồng thôn Vĩnh Thắng.

Cây trôi trong khuôn viên nhà văn hóa thôn Vĩnh Thắng, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Trải qua hơn 800 năm, cây trôi vẫn phát triển xanh tốt. Hàng năm cây trôi vẫn mọc những chồi non mới, đơm hoa kết trái phát triển xanh tốt, cành lá sum suê, che bóng mát cho dân làng.

Ngoài ý nghĩa về mặt sinh thái, cây trôi còn có ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Bao thế hệ người dân xã Hòa Lạc đã coi những cây cổ thụ này là một thần nông chiếu lộc, che chở cho cuộc sống của dân làng. Từ lâu người dân ở đây luôn lấy làm biểu tượng, niềm tự hào chung của cả làng, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, dọn dẹp vệ sinh môi trường sạch sẽ và cùng nhau bảo vệ.

Tháng 9 vừa qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam quyết định công nhận cây trôi 800 tuổi ở xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê là cây di sản Việt Nam. Việc công nhận cây di sản giúp bảo vệ đa dạng sinh học, sự phong phú của hệ thực vật và quảng bá lịch sử văn hóa địa phương.

Cận cảnh cây trôi di sản 800 tuổi ở Hà Tĩnh - Ảnh 2.

Tồn tại qua nhiều thế kỷ, phần thân cây trôi có nhiều ụ nổi, lớp vỏ sần sùi, rêu xanh phủ kín từ gốc đến cành cây.

Theo các chuyên gia, cây trôi 800 năm tuổi này là một trong những cây di sản quý hiếm của Việt Nam. Với chiều cao hơn 27 m, chu vi thân 8,2 m, tán rộng 40 m, cây trôi có hệ rễ to khỏe và tán lá rộng lớn, không chỉ giá trị về mặt cảnh quan mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống của nhiều loài sinh vật.

Ông Lê Thành Tế, thôn Vĩnh Thắng chia sẻ, cây trôi này gắn bó với người dân ở đây từ bao đời nay. Ngày bé, ông thường cùng bạn bè vui chơi dưới tán cây trôi. Do thời điểm đó chưa có quạt điện nên dưới bóng cây trôi rất mát mẻ, nhất là vào ngày hè. Sau khi cây trôi được công nhận là cây di sản, bà con trong thôn rất vui mừng và phấn khởi. Bà con cam kết tiếp tục bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị của cây di sản này để truyền lại cho thế hệ sau.

Cận cảnh cây trôi di sản 800 tuổi ở Hà Tĩnh - Ảnh 3.

Cây trôi cao sừng sững tồn tại qua nhiều thế kỷ được xem là "thần hộ mệnh" của dân làng Vĩnh Thắng.

Cây trôi còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội tâm linh của người dân nơi đây. Những đứa trẻ lớn lên dưới bóng cây, nghe kể về lịch sử và câu chuyện xưa, tiếp nối truyền thống yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

''Trong quá trình dạy học, chúng tôi luôn lồng ghép các tiết học tìm hiểu thực tế tại địa phương để học sinh hiểu hơn về giá trị của cây trôi. Từ đó, giáo dục các em ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn các giá trị truyền thống của địa phương'', cô Thái Thị Hồng Lĩnh, Trường Tiểu học Hương Vĩnh chia sẻ.

Cận cảnh cây trôi di sản 800 tuổi ở Hà Tĩnh - Ảnh 4.

Cây trôi 800 năm tuổi ở làng quê Hà Tĩnh không chỉ là biểu tượng của tự nhiên mà còn là minh chứng sống động cho tình yêu, sự gắn bó của người dân với thiên nhiên và truyền thống.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy xã Hương Vĩnh cho biết, trải qua các thời kỳ chiến tranh và thiên tai, bão lũ, cây trôi vẫn đứng vững, trở thành nguồn cổ vũ và động lực để người dân vượt qua khó khăn. Gần đây, cây trôi được công nhận là cây di sản Việt Nam, đặt ra trách nhiệm của chính quyền địa phương trong bảo tồn, phát huy và gìn giữ di sản này cho thế hệ mai sau.

Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền địa phương đề ra một số kế hoạch như, xây dựng hàng rào khuôn viên xung quanh cây, làm thêm ghế đá để người dân, học sinh có nơi nghỉ ngơi; đồng thời, xây dựng các điểm check-in đẹp mắt thu hút du khách.

Ngoài ra, cán bộ và nhân dân xã Hương Vĩnh, mong muốn và đề xuất cấp có thẩm quyền như Ủy ban nhân dân huyện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để phát huy, gìn giữ và bảo tồn di sản một cách hiệu quả.

Cận cảnh cây trôi di sản 800 tuổi ở Hà Tĩnh - Ảnh 5.

Tồn tại qua nhiều thế kỷ, phần thân cây trôi có nhiều ụ nổi, lớp vỏ sần sùi, rêu xanh phủ kín từ gốc đến cành cây.

Ông Trần Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, cây trôi có giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh rất lớn đối với nhân dân trong vùng. Cây trôi cũng là minh chứng để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, giúp họ hiểu được công lao của các thế hệ cha ông. Cây trôi cũng khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học.

Thời gian qua, huyện tập trung nhiều giải pháp để gìn giữ, phát huy giá trị của cây trôi. Và huyện cũng đã xác định cây trôi là điểm đến du lịch, là biểu tượng để phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng. Vì thế, khi xây dựng tour tuyến du lịch sẽ có điểm dừng chân tại cây trôi.

Đồng thời, huyện sẽ có giải pháp bảo tồn, xây dựng công viên xung quanh cây trôi sau khi được công nhận là cây di sản. Địa phương kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan, ban, ngành trong bảo tồn cây trôi.

Bản đúc nổi trên Cửu Đỉnh ở Hoàng cung Huế trở thành di sản tư liệu của UNESCO Bản đúc nổi trên Cửu Đỉnh ở Hoàng cung Huế trở thành di sản tư liệu của UNESCO

VTV.vn - Hồ sơ Cửu Đỉnh của Việt Nam đã được thông qua với số phiếu tuyệt đối 23/23 tại Hội nghị của UNESCO.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước