Cần chấn chỉnh việc bạo hành nhân viên y tế

Thuỳ An-Thứ hai, ngày 24/10/2022 10:06 GMT+7

VTV.vn - Đại biểu Nàng Xô Vi (Đoàn Kon Tum) nhấn mạnh cần quyết liệt xử lý cũng như chấn chỉnh các trường hợp bạo hành nhân viên y tế thời gian qua.

Sáng 24/10, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Cần chấn chỉnh việc bạo hành nhân viên y tế - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Các quy định không có sự phân biệt giữa y tế công lập và tư nhân

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, một số đại biểu đề nghị bổ sung các chương về tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh, về y tế tư nhân và về Hội nghề nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, ý kiến đại biểu rất xác đáng và đã chỉ đạo rà soát các quy định của dự thảo Luật và pháp luật hiện hành. Kết quả rà soát cho thấy, dự thảo Luật đang dành 3 điều riêng về chi phí và giá khám bệnh, chữa bệnh, nguồn tài chính cho khám bệnh, chữa bệnh và xã hội hóa.

Tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh cũng đã được ít nhất 8 luật khác quy định. Ngoài ra, một số vướng mắc trong cơ chế tài chính về khám bệnh, chữa bệnh đang được đề xuất sửa đổi tại Luật Đấu thầu, Luật Giá và một số luật chuyên ngành khác.

Các quy định không có sự phân biệt giữa y tế công lập và tư nhân; trong mỗi điều luật, nếu có liên quan đến đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân đều có quy định áp dụng cụ thể.

Đề nghị cấm có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi khám bệnh và chữa bệnh

Cũng theo báo cáo thẩm tra, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cấm hành vi thu dung, khuyến mại người đến khám bệnh, chữa bệnh; cấm người nhà bệnh nhân sử dụng chất kích thích khi vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cấm có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi khám bệnh và chữa bệnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật đã có quy định cấm các hành vi nhằm mục đích trục lợi trong khám bệnh, chữa bệnh tại khoản 12 Điều 7. Trong đó bao gồm cả hành vi thu dung, khuyến mại người đến khám bệnh, chữa bệnh để trục lợi. Quy định người đại diện, người đến thăm hoặc người chăm sóc của người bệnh phải chấp hành nội quy của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 17 của dự thảo Luật.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng đã quy định cấm có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi khám bệnh và chữa bệnh.

Cần chấn chỉnh việc bạo hành nhân viên y tế - Ảnh 2.

Đại biểu Nàng Xô Vi (Đoàn Kon Tum)

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Nàng Xô Vi (Đoàn Kon Tum) cho biết gần đây các vụ việc người nhà bệnh nhân bạo hành nhân viên y tế, cá biệt hơn là cả bệnh nhân đang khám và điều trị cũng có hành vi bạo lực nhân viên y tế tại các bệnh viện có chiều hướng gia tăng và có những vụ việc gây hậu quả rất nghiêm trọng. 

“Tôi đề nghị cần phải có bổ sung thêm vào dự thảo Luật này các biện pháp phù hợp hơn, quyết liệt hơn để xử lý, chấn chỉnh hiện trạng này”, đại biểu đoàn Kon Tum nhấn mạnh.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần mua bảo hiểm trách nhiệm

Góp ý về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) thể hiện sự ủng hộ với quy định các cơ sở khám chữa bệnh mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám chữa bệnh. Theo ông Dũng, việc mua bảo hiểm có lợi cho cả 2 bên: Cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh. Theo đó với bảo hiểm trách nhiệm, cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề sẽ yên tâm hơn nếu khi có sai sót chuyên môn y khoa thì có đơn vị chuyên xử lý bồi thường. Đối với người bệnh thì được bồi thường thoả đáng khi có vấn đề trong khám chữa bệnh.

“Nếu không may có rủi ro xảy ra thì phải tính toán mức bồi thường thì sẽ có cơ quan bảo hiểm lo, cơ sở khám chữa bệnh không phải đau đầu về mức bồi thường như thế nào cho thoả đáng. Nếu có tranh chấp thì cơ quan bảo hiểm sẽ tham gia quá trình tố tụng”, ông Dũng cho biết thêm. 

Cần chấn chỉnh việc bạo hành nhân viên y tế - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định)

Về việc tự chủ tài chính của các bệnh viện, theo Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, việc Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đề nghị thôi thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện thể hiện có nhiều vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện nhà nước. Đó là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập cần thiết phải được luật hóa một cách minh bạch, vừa để nhân dân người bệnh rõ về cách thức vận hành của cơ sở khám, chữa bệnh, vừa để vừa để cơ sở khám, chữa bệnh và người hành nghề yên tâm điều hành hoạt động cơ sở yên tâm và dành nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh.

“Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo Quốc hội nội dung quy định về vấn đề tự chủ tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh trong Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi lần này để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà thực tiễn đặt ra”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước