Cần làm gì để ứng phó sự cố tràn dầu trên biển Việt Nam?

Linh Linh-Thứ ba, ngày 12/01/2021 17:46 GMT+7

Diễn tập ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển.

VTV.vn - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành danh mục chất phân tán được phép sử dụng và hướng dẫn về quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển.

Tại Thông tư 19/2020/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định danh mục chất phân tán được phép sử dụng trong ứng phó sự cố tràn dầu trong vùng biển Việt Nam gồm: Corexit® EC9500A, Corexit® EC9527A, Radiagreen OSD, Seacare OSD, Seagreen 805, Slickgone EW, Super Dispersant 25.

Lượng chất phân tán cần sử dụng để ứng phó sự cố tràn dầu trên biển được xác định dựa trên lượng dầu tràn và loại chất phân tán sử dụng.

Xác định lượng dầu tràn trên biển

Cụ thể lượng dầu tràn trên biển được xác định dựa vào màu sắc của vết dầu loang theo 5 mã vết dầu chính gồm:

Mã dầu 1 có mô tả bề ngoài Ảnh (bạc/xám), có độ dày lớp dầu từ 0,04μm đến dưới 0,3μm, với lượng dầu từ 40 đến dưới 300 lít dầu/km2.

Mã dầu 2 có mô tả bề ngoài cầu vồng, có độ dày lớp dầu từ 0,3μm đến dưới 5μm, với lượng dầu từ 300 đến dưới 5.000 lít dầu/km2.

Mã dầu 3 có mô tả bề ngoài màu ánh kim, có độ dày lớp dầu từ 5μm đến dưới 50μm, với lượng dầu từ 5.000 đến dưới 50.000 lít dầu/km2.

Mã dầu 4 có mô tả bề ngoài màu dầu không liên tục, có độ dày lớp dầu từ 50μm đến dưới 500μm, với lượng dầu từ 50.000 đến dưới 200.000 lít dầu/km2.

Mã dầu 5 có mô tả bề ngoài màu dầu liên tục, có độ dày lớp dầu ≥ 200μm, với lượng dầu ≥ 200.000 lít dầu/km2.

Quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trong vùng biển Việt Nam gồm 6 bước: (i) Quy định về sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trong vùng biển Việt Nam; (ii) Xác định lượng chất phân tán cần sử dụng; (iii) Phun hoặc rải chất phân tán để ứng phó sự cố tràn dầu; (iv) Giám sát hiệu quả phân tán đầu trong quá trình phun hoặc rải chất phân tán; (v) Theo dõi chất lượng môi trường sau khi sử dụng chất phân tán; (vi) Báo cáo sau khi sử dụng chất phân tán.

Chất phân tán chỉ được sử dụng trong vòng 72 giờ kể từ khi dầu tràn

Các đơn vị, tổ chức và cá nhân sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trong vùng biển Việt Nam phải đáp ứng tất cả các quy định.

Thứ nhất, tuân thủ các quy định tại Điều 5 Luật hóa chất và Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 24 Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, chất phân tán chỉ được sử dụng trong vòng 72 giờ kể từ khi dầu tràn; không sử dụng chất phân tán khi phần lớn dầu tràn đã bị phong hóa hoặc phân tán tự nhiên.

Thứ ba, việc sử dụng chất phân tán chỉ áp dụng khi dầu tràn có độ nhớt nhỏ hơn hoặc bằng 5.000 cSt trừ các loại dầu nhẹ, dễ bay hơi là xăng, dầu hỏa, dầu diesel. Trường hợp dầu tràn nằm trong giới hạn trên 5.000 cSt tới dưới 10.000 cSt chỉ sử dụng chất phân tán để xử lý trên diện rộng khi hiệu quả phân tán dầu đạt lớn hơn hoặc bằng 35%.

Thứ tư, chỉ sử dụng chất phân tán trong điều kiện thời tiết biển có độ cao sóng nhỏ hơn 3m và độ dày lớp dầu trên mặt biển lớn hơn 0,06m.

Thông tư này có có hiệu lực từ ngày 15/2/2021 được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trong vùng biển Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước