Các đại biểu cơ bản nhất trí với những nội dung của dự thảo lần này, đồng thời bổ sung nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện hơn dự thảo Luật.
"Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc việc quy định bảo vật quốc gia thuộc sở hữu riêng. Nếu bảo vật quốc gia được xác lập sở hữu riêng, thì các tổ chức, cá nhân sẽ có quyền sở hữu đối với di sản, sẽ được quyền mua bán, tặng cho, dẫn đến nguy cơ di sản dễ bị đưa ra nước ngoài hoặc bị lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích", ông Đào Chí Nghĩa, Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ đề nghị.
Ông Thạch Phước Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng: "Cần có quy định cụ thể hơn về chính sách ưu tiên dành cho các nghệ nhân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số và các nhóm thiểu số có nguy cơ mất di sản văn hóa phi vật thể. Việc trao tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú,... là cần thiết nhưng cần kèm theo các điều kiện chế độ hỗ trợ lâu dài về mặt tài chính, bảo hiểm và y tế để khuyến khích nghệ nhân tiếp tục duy trì hoạt động, trao truyền di sản".
Một số ý kiến đề nghị cần quy định theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động sao chép cổ vật, bảo vật, việc sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích.
Theo ông Nguyễn Hải Dũng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: "Quy định bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia không được sử dụng vì mục đích lợi nhuận, tôi đề nghị xem xét lại quy định này vì khi bảo tàng trưng bày có trưng bày bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, mở cửa mua vé tham quan là hoạt động có thể có lợi nhuận sẽ bị cấm, ảnh hưởng đến sự tồn tại của bảo tàng".
Tại phiên thảo luận nhiều đại biểu cũng đề nghị cần có quy định riêng về di sản đô thị, trách nhiệm của các bộ ngành trong việc thu hồi, mua bảo vật từ nước ngoài đưa về nước và biện pháp bảo vệ di sản trong trường hợp khẩn cấp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!