Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương đang triển khai các giải pháp để tiến tới thực hiện lộ trình phân loại, xử lý rác tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tuy nhiên, vấn đề là giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại thì chưa được quy định cụ thể.
Mỗi tháng, 1 người ở các quận nội thành của Hà Nội đang đóng phí thu gom rác là 6000 đồng, với các huyện ngoại thành là 3 nghìn đồng. Hiện nay, phí thu gom rác được tính bình quân, người có ít rác thì đổ ít, người có nhiều rác thi đổ nhiều để bù đắp chi phí cho hoạt động thu gom. Còn chi phí bốc xúc, vận chuyển đến nhà máy và chi phí xử lý do ngân sách nhà nước hỗ trợ giảm dần. Theo các công ty môi trường, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt hiện thấp hơn nhiều so với chi phi phí thực tế. Vì hiện nay, để thu gom, vận chuyển, xử lý 1 tấn rác phải mất hơn bốn trăm nghìn đồng, ngân sách các địa phương phải bỏ ra khoảng 95%.
Tinh thần chủ đạo trong các quy định của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020 là người gây ô nhiễm thì phải trả tiền để xử lý ô nhiễm,.người gây ô nhiễm nhiều thì phải trả nhiều tiền. Các quy định này được cho là sẽ góp phần hạn chế các chủ thể xả rác.
Tuy nhiên, vấn đề là chính quyền hay các đơn vị thu gom rác sẽ được thu phí dịch vụ này. Và khối lượng rác sẽ được tính theo kg hay theo thể tích từng túi thì chưa được tính đến.
Các chuyên gia môi trường cho rằng, sẽ khó để Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đi vào thực tế cuộc sống, nếu không sớm có hướng dẫn, quy định cụ thể để triển khai, nhất là đối với việc tính phí dịch vụ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!