Cần thiết phải có Quy hoạch tổng thể quốc gia

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 07/10/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch ở cấp cao nhất, làm cơ sở để lập các quy hoạch khác.

Quy hoạch tổng thể quốc gia tạo ra sức mạnh cộng hưởng

Tại Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đang diễn ra, một trong những nội dung quan trọng sẽ được Trung ương xem xét, cho ý kiến, đó là: Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia do Ban cán sự đảng Chính phủ trình.

Thực hiện Luật Quy hoạch được Quốc hội khóa XIV thông qua, thời gian qua Chính phủ đã sát sao chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong cả nước khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu xây dựng dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian sắp tới.

Cần thiết phải có Quy hoạch tổng thể quốc gia - Ảnh 1.

Tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đây là công việc lần đầu tiên Trung ương làm, rất mới, rất khó, chưa có kinh nghiệm, song rất quan trọng và cấp thiết, các bộ, các ngành, các địa phương trong cả nước hiện đang rất mong đợi.

Đã từng có thời kỳ, tỉnh nào cũng xin lập cảng biển quốc tế. Dù có lợi thế về đường bờ biển dài nhưng nếu cứ chưa đầy trăm km lại có một cảng biển quốc tế thì lợi thế lại trở thành manh mún, thậm chí triệt tiêu nhau. Đây là điều sẽ không thể xảy ra khi có bản quy hoạch tổng thể quốc gia.

Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: "Quy hoạch tổng thể quốc gia tạo ra được sức mạnh cộng hưởng các yếu tố. Ví dụ sân bay nối với cảng biển bằng hệ thống giao thông, logistic hoàn chỉnh thì tạo ra sự cộng hưởng, hiệu quả phát triển ‘ghê gớm’".

Trong giai đoạn đến năm 2030, do nguồn lực phát triển có hạn, sẽ ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số vùng có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học - công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có. Các khu vực này sẽ phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo những vùng khác cùng phát triển, để đến giai đoạn sau năm 2030, sẽ dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói: "Chúng ta có thể hình dung ra các không gian lớn như hành lang kinh tế. Chúng ta thấy rằng sắp tới hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông. Đó là kết cấu hạ tầng nhưng cũng mở ra không gian phát triển dọc tuyến đường đó và tùy lợi thế từng vùng nhất định để chúng ta có thể hình dung ra các trung tâm động lực bám theo các kết cấu hạ tầng".

Ở thời điểm các biến động toàn cầu ngày càng khó lường thì việc định hình lại các nguồn lực, xác định con đường đi hiệu quả là cần thiết để việc phát triển bền vững hơn.

Các quốc gia khác quy hoạch tổng thể như thế nào?

Quy hoạch tổng thể hay quy hoạch không gian cấp quốc gia được thực hiện khá đa dạng trên thế giới. Với các nước có trình độ phát triển khác nhau thì phạm vi, nội dung.... cũng được tập trung vào những yêu cầu khác nhau. Nhưng về cơ bản đều có những nguyên tắc chung.

Quy hoạch tổng thể lãnh thổ quốc gia Hàn Quốc là quy hoạch không gian cấp cao nhất, đóng vai trò nền tảng, hướng dẫn cho các quy hoạch ở từng địa phương; là kim chỉ nam cho các quy hoạch tổng thể cấp tỉnh, cấp thành phố, quận, huyện.

Cần thiết phải có Quy hoạch tổng thể quốc gia - Ảnh 2.
Cần thiết phải có Quy hoạch tổng thể quốc gia - Ảnh 3.
Cần thiết phải có Quy hoạch tổng thể quốc gia - Ảnh 4.

Quy hoạch tổng thể lãnh thổ quốc gia Hàn Quốc được xây dựng theo trình tự 5 bước

Tham gia trực tiếp vào lập Quy hoạch có 12/18 bộ và 5 Ủy ban trực thuộc Tổng thống Hàn Quốc.

Thời gian chuẩn bị và các thủ tục pháp lý mất khoảng 2 năm cho thiết lập 1 Quy hoạch tổng thể lãnh thổ quốc gia.

Trong thời kỳ 1972-1999, Hàn Quốc đã xây dựng 3 Quy hoạch tổng thể lãnh thổ quốc gia cho mỗi giai đoạn khoảng 8-10 năm.

Trong mỗi một Quy hoạch tập trung giải quyết 1 số điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế Hàn Quốc.

Quy hoạch tổng thể tăng cường và mở rộng phát triển kinh tế Indonesia được lập cho giai đoạn 2011-2025. Mục tiêu là đưa Indonesia có Quy mô GDP khoảng 4-4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2025 và trở thành nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới.

Quy hoạch tổng thể của Indonesia tập trung vào 8 chương trình chủ yếu là: phát triển nông nghiệp, khai khoáng, năng lượng, công nghiệp, hàng hải, du lịch, viễn thông và phát triển các khu vực chiến lược. 8 chương trình này bao gồm 22 hoạt động kinh tế chính được thiết kế dựa trên các tiềm năng nội tạng và giá trị chiến lược của mỗi hành lang.

Tổng mức đầu tư được xác định vào khoảng 260 triệu USD. Nguồn ngân sách chính phủ sẽ chiếm khoảng 10% dưới hình thức cung cấp hạ tầng cơ bản. Phần còn lại sẽ từ các doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân và thông qua hợp tác công-tư.

Hệ thống quy hoạch ở Malaysia gồm 3 cấp. Ở cấp cao nhất là Quy hoạch vật thể quốc gia; cấp thứ 2 là các Quy hoạch cấu trúc bang quy hoạch vùng; cấp cuối cùng là Quy hoạch địa phương. Mỗi chính quyền địa phương thông thường sẽ lập 1 bản Quy hoạch bao trùm diện tích do mình quản lý. Quy hoạch địa phương được lập thể hiện chức năng của từng khu đất và là cơ sở cho quản lý phát triển trên thực tế.

Theo yêu cầu của luật Quy hoạch đô thị và nông thôn của Malaysia, Quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với Quy hoạch cấp trên. Tuy nhiên, về mặt trình tự tại Malaysia, không nhất thiết Quy hoạch cấp trên, Quy hoạch của lãnh thổ có phạm vi rộng hơn phải được hoàn thành, thông qua rồi Quy hoạch cấp dưới mới được tiến hành thành lập. Nếu Quy hoạch của cấp dưới được thông qua trước, thì sau đó khi Quy hoạch cấp trên được thông qua, Quy hoạch cấp dưới sẽ phải tiến hành điều chỉnh những điểm chưa phù hợp.

Quá trình lập các loại Quy hoạch này là sự tham vấn lẫn nhau 1 cách chặt chẽ giữa 2 cấp liên bang và bang. Đây cũng là điều kiện bảo đảm cho sự phù hợp của 2 loại Quy hoạch này ngay cả trong trường hợp các Quy hoạch cấu trúc bang được lập đồng thời với quá trình lập Quy hoạch quốc gia.

Vì sao Quy hoạch tổng thể quốc gia lại cần phải được đưa ra vào thời điểm này?

Mục tiêu trọng tâm cao nhất mà Quy hoạch này hướng đến là gì?

Từ trước đến nay, không có quy hoạch tổng thể thì chúng ta làm như thế nào? Và khi có quy hoạch sẽ đem lại sự thay đổi gì?

Cùng phân tích chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước