Cảnh báo giả danh bác sĩ nổi tiếng bán thực phẩm chức năng trên mạng xã hội

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 20/07/2023 06:21 GMT+7

VTV.vn - Một số trạng mạng còn giả danh cả các bệnh viện lớn để bán thực phẩm chức năng với cam kết chữa khỏi bệnh.

Với những người có người thân đang mắc bệnh nặng, bệnh nan y, khi thấy các quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội gắn với hình ảnh các bác sĩ nổi tiếng hay các bệnh viện lớn có thể sẽ lầm tưởng và tin tưởng để đặt mua với hi vọng sẽ chữa khỏi bệnh.

Đơn cử như một sản phẩm chữa bệnh gắn với trang web của Bệnh viện Bạch Mai, lấy hình ảnh của GS. BS Nguyễn Lân Việt hay mạo danh Bộ trưởng Bộ Y tế để quảng cáo và bán tràn lan trên mạng xã hội, nhiều người sẽ dễ dàng bị ‘qua mặt’ và lầm tưởng. Điều này đã vi phạm Luật Quảng cáo và Nghị định 181.

Cảnh báo giả danh bác sĩ nổi tiếng bán thực phẩm chức năng trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Việc sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sỹ, lương y và bệnh viện để quảng cáo bán thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm pháp luật về quảng cáo. Bên cạnh đó còn có hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo quá mức, thổi phồng như thần dược, thậm chí là phản khoa học. Nhưng hình thức quảng cáo lại ngày càng phổ biến nhất là trên các trang mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo khiến cho nhiều người vẫn bị lừa, dẫn đến tiền mất tật mang.

Tại sảnh bệnh viện Quân y 103, thông tin về các trang mạng giả danh bệnh viện để bán thực phẩm chức năng, thuốc được chiếu trên màng hình lớn để người dân dễ dàng nhìn thấy. Đồng thời, Viện 103 đăng tải trên Website, Facebook, Youtube chính thức bệnh viện khẳng định những thông tin này là sai sự thật. Tuy nhiên, khi bị phát hiện trang này họ lại ra ngay trang khác, khiến việc cảnh báo gặp không ít khó khăn.

Các nền tảng xuyên quốc gia khác đang là nơi xuất hiện phổ biến nội dung quảng cáo không theo mong muốn. Tuy nhiên, việc nền tảng hoạt động dựa trên thuật toán khiến cơ quan quản lý rất khó phát hiện. Trên thực tế rất ít người bị mạo danh lên tiếng về việc đơn vị này mạo danh hay mượn hình ảnh để quảng cáo.

Việc giả danh này khiến uy tín của các bác sĩ cũng như bệnh viện bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong khi người mua lâm vào tình cảnh ‘tiền mất tật mang’. Vậy trách nhiệm xử lý sự việc trên thuộc cơ quan nào và cách giải quyết ra sao để loại bỏ tình trạng này.

TS Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế là khách mời trong chương trình Vấn đề hôm nay sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.

"Luật Quảng cáo đã quy định tương đối đầy đủ tuy nhiên thời gian qua, vi phạm về quảng cáo bảo vệ sức khỏe diễn ra tương đối nhiều. Nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm để bán được nhiều sản phẩm hơn, kiếm được lợi nhuận nhiều hơn", TS Trần Việt Nga cho hay.

Cảnh báo giả danh bác sĩ nổi tiếng bán thực phẩm chức năng trên mạng xã hội - Ảnh 3.

"Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế là đơn vị đầu tiên có trách nhiệm quản lý nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trước khi các tổ chức, cá nhân tiến hành quảng cáo. Khi thẩm định, chúng tôi có xác nhận nội dung quảng cáo kèm theo kịch bản quảng cáo mà cá nhân, doanh nghiệp nộp lên. Những thông tin này được công khai trên trang web của Cục để người tiêu dùng, doanh nghiệp và tổ chức phát hành quảng cáo biết. Tuy nhiên, quảng cáo được thực hiện với nhiều phương tiện khác nhau, trên MXH, truyền hình, phát thanh và đây là trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông. Còn nếu quảng cáo trên trang thương mại điện tử, trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương khi kiểm soát các gian hàng thương mại điện tử.

Do đó, để quản lý chặt chẽ, cần có sự phổi hợp giữa các cơ quan, ban ngành. Trong trường hợp quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng thì chắc chắn có sự tham gia của Bộ Công an. Đây là nhiệm vụ phức tạp nên chúng tôi tổ chức các tổ công tác liên ngành gồm các Vụ, Cục ở các Bộ liên quan nêu trên để quản lý chặt chẽ hơn", TS Trần Việt Nga nhấn mạnh.

Tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng, với hình thức ngày càng mới mẻ và tinh vi. Việc lấy danh nghĩa bác sỹ, bệnh viện để quảng cáo trên mạng xã hội là để tạo niềm tin cho người bệnh. Nhưng thực chất lại không chỉ tư vấn sai về chuyên môn, bán thuốc trá hình, mà nhiều khi còn làm người bệnh còn bỏ lỡ thời điểm chữa bệnh tốt nhất khiến bệnh càng nặng thêm.

Người dân nên tìm hiểu kĩ thông tin, khám chữa bệnh và mua thuốc tại các cơ sở y tế uy tín, được nhà nước cấp phép, tránh tiền mất tật mang.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước