Cảnh báo giai đoạn nguy hiểm nhất khi mắc sốt xuất huyết

Minh Đức-Thứ hai, ngày 18/07/2022 06:09 GMT+7

VTV.vn - Giai đoạn sốt xuất huyết nguy hiểm nhất diễn ra ngay sau giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn này cần theo dõi sát sao triệu chứng để có biện pháp xử trí kịp thời và phù hợp.

Trong tháng qua, các ca bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh tại nhiều địa phương, nhiều ca bệnh biến chứng nặng do người bệnh chủ quan, chữa trị không đúng cách... Theo các chuyên gia y tế, bệnh có nhiều giai đoạn tiến triển và cần theo dõi cẩn thận.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, giai đoạn ủ bệnh thường dễ nhầm với sốt thường và sốt virus. Tuy nhiên, sốt xuất huyết thường có biểu hiện đặc trưng như: Da xung huyết, phát ban xuất huyết dạng chấm dưới da, chảy máu chân răng. Nếu nặng thì người bệnh thường có biểu hiện đau bụng vùng gan, gan to, tiểu ít, nôn nhiều.

Người bệnh mắc sốt xuất huyết thường chuyển sang giai đoạn nguy hiểm nhất sau đó khoảng 3 - 7 ngày. Đây là giai đoạn cần phải xem xét để có biện pháp xử trí phù hợp nhằm hạn chế những hậu quả xấu xảy ra. Nếu bị thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc với các biểu hiện lâm sàng như: Co giật, li bì; Lạnh các đầu chi, da tái lạnh; huyết áp tụt hoặc không đo được... Đồng thời có dấu hiệu xuất huyết như: Xuất huyết dưới da; Xuất huyết niêm mạc được biểu hiện triệu chứng chảy máu mũi, chảy máu lợi và chân răng, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn; Xuất huyết nội tạng được biểu hiện ở cơ quan tiêu hóa, phổi, não... và được xem là dấu hiệu nặng, nguy hiểm.

Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như: viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim; những biểu hiện tình trạng nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

Sau khi qua giai đoạn nguy hiểm, người bệnh sẽ bước sang giai đoạn hồi phục: Giai đoạn này kéo dài 48-72 giờ. Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều.

Đối với sốt xuất huyết thể nhẹ, người bệnh có thể được điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, khoảng thời gian từ ngày 3 - ngày 7, người bệnh đặc biệt là trẻ em, cần được theo dõi sát để phát hiện các triệu chứng tiền sốc do mất máu. Đặc biệt từ ngày thứ 3 của bệnh (tính từ ngày bắt đầu sốt), nếu nhận thấy một hoặc vài triệu chứng như vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng vùng gan, nôn nhiều, tiểu ít, hoặc xuất huyết nội tạng thì phải cấp tốc đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

Đối với trẻ em, sốt xuất huyết đến ngày thứ 4 đã bắt đầu hết sốt và không có biểu hiện gì khác tức là bệnh đang thuyên giảm nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi. Nếu bé xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như lừ đừ hoặc li bì, đau vùng gan, nôn nhiều, tiểu ít, xuất huyết niêm mạc... thì phải đưa đến bệnh viện khám lại ngay.

Điều trị sốt xuất huyết chủ yếu là điều trị triệu chứng và phần lớn điều trị ngoại trú như: hạ sốt, bù dịch bằng đường uống. Nên uống oresol, nước sôi để nguội, nước trái cây, nước cháo muối loãng, nước dừa, nước cam, sữa......

Phản ánh điểm nguy cơ sốt xuất huyết qua ứng dụng trực tuyến Phản ánh điểm nguy cơ sốt xuất huyết qua ứng dụng trực tuyến

VTV.vn - Ngoài việc tăng cường kiểm tra các điểm nguy cơ sốt xuất huyết, ngành y tế TP cũng tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân thông qua ứng dụng y tế trực tuyến.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước