Rượu thuộc nhóm hàng hóa nhà nước hạn chế kinh doanh, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu phải có giấy phép. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, rượu sản xuất thủ công trên cả nước thời gian qua hầu như đều không có phép, không nhãn mác và không kiểm định chất lượng. Cũng từ các loại rượu này mà thời gian gần đây đã liên tục xẩy ra các vụ ngộ độc.
Các cơ quan chức năng Hà Nội mới đây khi kiểm tra nhà hàng tại huyện Chương Mỹ đã phát hiện hơn 500 lít rượu màu thủ công không rõ nguồn gốc. Chủ cơ sở cho biết số rượu này được đặt của người dân tự nấu và ngâm. Biết bán rượu không rõ nguồn gốc sẽ bị xử phạt, nhưng vì lợi nhuận nên chủ cơ sở vẫn kinh doanh.
Vấn nạn rượu giả, rượu lậu vẫn chưa bao giờ hết nóng, và cũng đã có không ít vụ việc thương tâm xảy ra khi các nạn nhân sử dụng những loại rượu này.
Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hàng trăm ca ngộ độc rượu với con số tử vong lên tới hàng chục người. Trong đó, đa phần là do lạm dụng các loại rượu nấu, rượu ngâm theo phương pháp thủ công không rõ nguồn gốc. Chẳng hạn bệnh nhân này đã nhập viện trong tình trạng hôn mê, phải thở máy, rối loạn chuyển hóa nặng. Nồng độ methanol trong máu lên tới 25 mg/dL.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Chiến, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Bệnh nhân đã được lọc máu, nồng độ cồn trong máu đã giảm xuống ngưỡng cho phép và hiện bệnh nhân đã hết rối loạn chuyển hóa, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn".
Trong y học cổ truyền, nhiều loại cây, con, củ quả có tác dụng chữa bệnh rất tốt khi sử dụng đúng liều lượng. Tuy nhiên, nếu không biết rõ tác dụng của từng loại thì tuyệt đối không sử dụng. Hiện, không ít gia đình ngâm nhiều loại động vật còn nguyên con, nguyên lông. Điều này rất nguy hiểm vì những con vật này chứa nhiều ký sinh trùng. Chưa kể đến nhiều trường hợp sử dụng quả anh túc, cần sa, rắn hổ mang chúa, gấu, hổ để ngâm rượu còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: "Trong thời gian vừa qua, các cơ sở ngâm rượu thủ công này đã cung cấp một số sản lượng rất là lớn là rượu không rõ nguồn gốc, sản phẩm ngâm rượu nguồn gốc cũng không rõ ràng nên rất khó quản lý về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến nhiều vụ ngộ độc. Chúng tôi đang có đề án trình Chính phủ để làm sao xác định nguồn gốc xuất xứ của các hàng hóa nói chung và sản phẩm rượu nói riêng".
Việt Nam là một quốc gia sử dụng hàm lượng rượu bia thuộc top 10 thế giới. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng rượu, bia trước khi đưa vào tiêu thụ vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là lý do vì sao rượu giả, rượu lậu vẫn trà trộn vào các nhà hàng, quán ăn một cách dễ dàng và công khai.
Khó khăn trong việc quản lý rượu thủ công
Dù đã có những văn bản pháp luật quy định chặt chẽ với các hình phạt đủ sức răn đe. Thế nhưng Việc xử lý những hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu hiện còn nhiều bất cập, nhất là đối với các cơ sở sản xuất rượu thủ công. Thêm vào đó hiện nhiều đối tượng có các hình thức làm giả rượu của các đơn vị sản xuất lớn một cách tinh vi và khó phát hiện.
Để có dây chuyền sản xuất rượu đủ tiêu chuẩn bán và xuất khẩu, doanh nghiệp này đã phải đầu tư số vốn lên tới gần 1600 tỷ đồng. Rượu trước khi đóng chai phải được chưng cất và ủ trong vòng 6 tháng cùng với đó là xử lý loại bỏ tối đa các chất độc. Tuy nhiên trong những năm qua doanh nghiệp đã hàng chục lần nhận được phản ánh về việc bị các đối tượng làm rượu giả, nhái thương hiệu của mình.
Anh Phạm Quang Anh, Chủ cơ sở kinh doanh sản xuất rượu chia sẻ: "Chúng tôi không thu hồi được chai đã bán ra thế nên nhiều đối tượng họ thu mua lại và cho các loại rượu kém chất lượng rượu không rõ nguồn gốc vào trong chai để bán kiếm lời, thứ hai nữa là giá cả chúng tôi bán cũng khá rẻ và được biết đến nhiều trên thị trường nên các bị người ta làm giả nhiều..."
Để phân biệt rượu thật và giả hiện nay người tiêu dùng cần chú ý phần tem của cơ quan thuế dán trên nắp chai. Nếu là thật, sẽ có phần mã QR và có thể truy xuất nguồn gốc, cùng với số seri của sản phẩm . Tuy nhiên hiện nay tại nhiều địa phương việc quản lý rượu thủ công, rượu tự nấu cũng gặp nhiều khó khăn do còn nhiều vướng mắc trong các quy định liên quan.
Ông Hoàng Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Hiện nay chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn vì luật có cấm nấu rượu thủ công đâu, người ta tự nấu ở nhà tự uống và cho nhau, đôi khi buôn bán nhỏ lẻ nên rất khó kiểm soát, cũng từ đây mà nhiều loại rượu không rõ nguồn gốc được đưa ra thị trường ...".
Nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia đã cấm sản xuất rượu thủ công nên tình trạng ngộ độc rượu ở những quốc gia này đã giảm đáng kể. Việt Nam hiện chỉ cấm kinh doanh rượu thủ công nhưng chưa thể cấm việc sản xuất rượu thủ công. Điều này xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ loại rượu này tại thị trường vẫn còn rất lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!