Theo ghi nhận của Công an Tiền Giang, tội phạm thường dùng thủ đoạn chào mời tham gia làm việc online, đầu tư tài chính, giới thiệu, môi giới đi nước ngoài làm "việc nhẹ, lương cao", tặng quà khuyến mãi và yêu cầu "đóng thuế", "nộp phạt" để nhận quà… Mới đây, lại xảy ra thủ đoạn xâm nhập trái phép phương tiện điện tử của người khác và lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Tiền Giang đã có thông báo nhằm cảnh báo phương thức và thủ đoạn của loại tội phạm này, với các trường hợp như sau:
Trường hợp thứ nhất, đối tượng lên mạng xã hội đặt mua hình ảnh Căn cước công dân giả và sử dụng Căn cước công dân giả mua sim, tạo tài khoản mạng xã hội (Zalo, Messenger…) rồi dùng các tài khoản này liên hệ với các cửa hàng mua bán điện thoại di động qua mạng xã hội đặt mua điện thoại di động có giá trị cao.
Khi giao dịch với cửa hàng, đối tượng thống nhất chuyển tiền "cọc". Thông thường, số tiền "cọc" có giá trị rất nhỏ so với giá trị của chiếc điện thoại đối tượng đặt mua, kèm "giao kèo": Khi nhận hàng sẽ thanh toán đủ số tiền còn lại thông qua ủy quyền cho công ty giao hàng. Đối tượng thực hiện chuyển tiền "đặt cọc" mua bán điện thoại thông qua các cửa hàng, điểm dịch vụ chuyển tiền, nhằm che giấu tội phạm.
Khi nhân viên công ty giao hàng (Viettel post, VNpost, giao hàng tiết kiệm...) liên hệ giao điện thoại, đối tượng chọn sẵn trước địa điểm hẹn gặp, thường là ở phía trước các cơ quan nhà nước (đối tượng giả danh là cán bộ Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân… để tạo lòng tin) hoặc chọn những nơi vắng người, không có camera, đeo khẩu trang, mang mũ bảo hiểm trùm kín đầu, thay đổi biển kiểm soát xe. Nhân viên đến giao hàng, đối tượng yêu cầu được kiểm tra điện thoại di động trước khi trả đủ tiền.
Tại thời điểm này, lợi dụng sự sơ hở, hoặc thiếu kiến thức về công nghệ của nhân viên giao hàng, đối tượng giả vờ kiểm tra điện thoại để đăng nhập (xâm nhập) tài khoản iCloud do đối tượng đã chuẩn bị trước vào điện thoại di động đặt mua, chiếm quyền điều khiển điện thoại, đổi mật khẩu điện thoại.
Thực hiện xong hành vi, đối tượng trả lại điện thoại cho nhân viên giao hàng, với lý do: không đồng ý mua vì điện thoại bị trầy, bể mặt kính hoặc chưa đủ tiền, hứa sẽ lấy hàng sau... Rồi bỏ đi, cắt liên lạc. Cho đến khi điện thoại được hoàn trả lại nơi bán thì chủ cửa hàng mới phát hiện điện thoại không mở khóa được, vô hiệu hóa, hiển thị bị khóa …
Trong khi đó, đối tượng sử dụng iCloud điện thoại này đăng ký vay tiền trên các ứng dụng vay tiền thế chấp iCloud điện thoại iPhone đăng trên các trang mạng xã hội. (1 iCloud đăng nhập trên một điện thoại iPhone 15 có thể vay đến 15 triệu đồng và nếu 1 iCloud cùng đăng nhập trên nhiều thiết bị điện thoại iPhone sẽ vay được nhiều tiền hơn).
Cũng có trường hợp, sau khi đăng nhập iCloud vào cùng nhiều điện thoại iPhone đối tượng sẽ thực hiện thủ tục vay 1 số tiền lớn với hình thức cầm cố iCloud. Hành vi này có dấu hiệu của tội phạm "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với bên cho vay tiền.
Trường hợp khác, đối tượng khóa iCloud, nhằm mục đích "cưỡng đoạt tài sản". Khi điện thoại bị khóa, không sử dụng được, đối tượng yêu cầu chủ sở hữu điện thoại đưa cho đối tượng một khoản tiền nhất định, hoặc một lợi ích khác (thông thường là thẻ cào điện thoại để nạp vào tài khoản game) thì đối tượng mới mở khóa, đưa lại mật khẩu iCloud, trả lại quyền đăng nhập, điều khiển cho chủ sở hữu. Hoặc đối tượng bán iCloud cho bên thứ ba để thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản đối với chủ sở hữu.
Trường hợp thứ hai, đối tượng lợi dụng sơ hở của nhân viên giao hàng để đánh tráo điện thoại đặt mua bằng 1 mô hình hoặc 1 điện thoại khác, giống về hình dáng nhưng đã bị hư hoặc có giá trị thấp hơn nhiều lần để trả cho nhân viên giao hàng, giả vờ không đồng ý mua hàng và bỏ đi cùng với việc chiếm đoạt chiếc điện thoại có giá trị cao.
Vào ngày 31/8/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp Công an huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã bắt giữ đối tượng Khuất Duy Hoàng, sinh năm 1990, nơi thường trú xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội với hành vi "Xâm nhập trái phép vào phương tiện điện tử của người khác" và "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức".
Với thủ đoạn như đã nêu trên, Hoàng đặt mua 1 điện thoại hiệu iPhone 15 Promax với giá 28 triệu đồng của một cửa hàng điện thoại di động tại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng và hẹn giao hàng trên địa bàn thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Trong lúc kiểm tra, Hoàng sử dụng tài khoản iCloud đã chuẩn bị sẵn để đăng nhập vào điện thoại mới, chiếm quyền điều khiển. Sau đó trả lại điện thoại cho nhân viên giao hàng với lý do sẽ quay lại lấy sau rồi cắt liên lạc. Tuy nhiên, Hoàng chưa kịp thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật tiếp theo thì bị bắt giữ.
Đến nay, qua công tác điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Tiền Giang đã thu giữ nhiều điện thoại di động, sim điện thoại và tiến hành trưng cầu giám định xác định các tài khoản, số điện thoại đối tượng thường sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Đây là thủ đoạn hoạt động mới của bọn tội phạm, lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Tài khoản iCloud là một gói gồm nhiều dịch vụ đám mây của hãng Apple, có vai trò chuyển đổi, sao lưu và đồng bộ hóa dữ liệu thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS trên các thiết bị như điện thoại iPhone, iPad, máy tính cá nhân… Việc để người khác đăng nhập tài khoản iCloud trên thiết bị sẽ khiến chủ sở hữu bị mất quyền kiểm soát thiết bị.
Công an khuyến cáo mọi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các thủ đoạn tương tự, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Khi phát hiện vụ việc, cần báo ngay cho lực lượng Công an nơi gần nhất để kịp thời có biện pháp xử lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!