Cảnh giác trước các sản phẩm giảm giá trên mạng xã hội

Quý Thông-Thứ bảy, ngày 23/12/2023 20:41 GMT+7

VTV.vn - Gần đây, mạng xã hội Facebook liên tục xuất hiện bài quảng cáo giảm giá 70 - 75% các sản phẩm điện tử của những thương hiệu nổi tiếng như Marshall, Hitachi hay Daikin.

Nhiều người tiêu dùng đặt câu hỏi: Liệu với giá bán rẻ như vậy có phải hàng chính hãng không hay hàng chính hãng hết mẫu nên được giảm giá mạnh?

"Lời xin lỗi chính thức của chúng tôi đến tất cả khách hàng tham gia sự kiện 20/10 của Marshall", "Sale toàn bộ cửa hàng Marshall đến 80%", đây chỉ là vài trong số hàng chục bài đăng trên Facebook và các nền tảng xã hội mà người dùng xem được trong thời gian qua thông qua các kênh quảng bá Facebook có độ ảnh hưởng, thu hút lượng lớn người theo dõi.

Tuy nhiên sự thật nơi ra lò của vô số sản phẩm loa nhập ngoại, được gắn nhãn sản xuất tại Nhật Bản, lại là một nhà kho nằm sâu trong ngõ 218 đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Tại kho chứa, cơ quan chức năng đã thu giữ số lượng cực lớn tem mác giả mang thương hiệu loa Nhật Bản để phục vụ cho hành vi gian dối của chủ hàng. Số loa trôi nổi và tem mác giả được cơ quan công an xác định có nguồn gốc từ bên kia biên giới.

Ngoài sản phẩm loa, cũng tại đây, lực lượng chức năng còn thu giữ một số mặt hàng khác như: đồng hồ thông minh, robot hút bụi cùng tem nhãn mác phục vụ cho việc sản xuất hàng giả với thủ đoạn rất tinh vi.

Cảnh giác trước các sản phẩm giảm giá trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Số loa trôi nổi và tem mác giả được cơ quan công an xác định có nguồn gốc từ bên kia biên giới.

Dễ đặt hàng, dễ bán theo đơn đặt trước, mọi giao dịch chủ yếu diễn ra trên không gian mạng. Vận chuyển cũng có dịch vụ giao hàng tận kho. Mọi quy trình đều khép kín đã hỗ trợ đắc lực cho hành vi sản xuất và kinh doanh hàng giả. Vì vậy theo khai nhận, trung bình một ngày có từ 200 - 400 đơn hàng từ kho chứa này chuyển đi cho khách.

Khó khăn quản lý kinh doanh trên mạng xã hội

Vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, hàng lậu vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Để đối phó với các lực lượng chức năng, các đối tượng chuyển từ môi trường truyền thống sang môi trường thương mại điện tử, khiến công tác quản lý, xử lý các hành vi gian lận thương mại trở nên khó khăn hơn. Thêm vào đó, nhiều chế tài xử phạt hiện vẫn chưa phù hợp với thực tế khiến việc xử lý những đối tượng vi phạm hiện chưa đủ sức răn đe.

Từng làm nhân viên cho một công ty vận chuyển hàng hóa, cô gái nắm rõ quy luật nhập hàng từ bên kia biên giới. Gần đây nhận thấy nhu cầu với các sản phẩm công nghệ rất lớn, có nhiều khách đặt hàng, nên chủ kho dần dần trở thành mắt xích cung cấp hàng cho những người kinh doanh online.

"Người dân khi mua hàng online cần chú ý mua hàng phải có hóa đơn, chứng từ, kiểm tra chất lượng hàng hóa kỹ trước khi thực hiện giao kết nhận hàng", ông Nguyễn Ngọc Tú, Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, đưa ra khuyến cáo.

Tuy nhiên đây chỉ là một trong số hàng nghìn vụ việc mua bán đồ điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ mà các cơ quan chức năng phát hiện được kho hàng, truy vết việc mua bán trên mạng. Hầu hết các vụ việc nếu không xác minh được 2 yếu tố trên sẽ rất khó để các cơ quan chức năng xử phạt.

"Cần phải tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng chống gian lận thương mại trên môi trường online, bởi vì thiệt hại trên môi trường online rất là lớn. Do vậy cần phải xử lý nghiêm bằng hình thức đủ sức răn đe với đối tượng vi phạm", ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý Thị trường, nhận định.

Việt Nam có khoảng 57 - 60 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua sắm trung bình từ 260 - 285 USD/người.

Theo quy định hiện nay, thẩm quyền và chức năng quản lý nhà nước về đấu tranh, ngăn chặn và xử lý với hàng giả, hàng kém chất lượng có sự tham gia của nhiều lực lượng như quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ, công an, hải quan, lực lượng kiểm tra văn hóa...

Tuy vậy mỗi cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ lại có văn bản quy phạm pháp luật riêng đối với lĩnh vực được giao phụ trách và thực hiện có sự chồng chéo hoặc khác nhau về cách xử lý. Chưa kể, các văn bản được cập nhật, thay đổi thường xuyên, nên có độ trễ nhất định trong việc ra quyết định xử phạt.

Cảnh giác với dịch vụ 'lấy lại tiền đang bị treo trên mạng' để không bị lừa đảo lần 2 Cảnh giác với dịch vụ "lấy lại tiền đang bị treo trên mạng" để không bị lừa đảo lần 2

VTV.vn - Nhiều người dân mất tiền từ lần này qua lần khác, nhiều người dân đã bị lừa lần 1 nhưng lại tiếp tục bị lừa lần 2 dù đã tố cáo và đang trong thời gian chờ giải quyết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước