Cảnh giác trước chiêu trò thuê xe tự lái để cầm cố

Xuân Sơn-Thứ hai, ngày 08/04/2024 06:04 GMT+7

VTV.vn - Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vừa bắt giữ ổ nhóm chuyên đi lừa đảo những người làm dịch vụ cho thuê xe tự lái.

18 chiếc xe ô tô các loại là tang vật của những vụ lừa đảo. Một nạn nhân kể lại, cách đây ít lâu anh đã ký hợp đồng cho thuê chiếc xe ô tô của mình với giá 1,5 triệu đồng/ngày. Người thuê xe ngoài khoản tiền thuê xe 5 ngày được thanh toán ngay sau khi hợp đồng được ký, còn chấp nhận bỏ ra 40 triệu đồng, nhiều hơn gần gấp đôi mức cọc trên thị trường để đặt cọc thuê xe. Chính điều này đã khiến anh tin tưởng giao xe ngay mà không biết mình bị lừa.

"Đến thời hạn trả xe, tôi kiểm tra định vị thì thấy xe của tôi mất định vị, tôi gọi điện yêu cầu họ trả xe cho tôi nhưng họ quanh co, muốn gia hạn hợp đồng, tôi không đồng ý và quyết định đến cơ quan công an trình báo", anh Nguyễn Thanh Thân, Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết.

Cảnh giác trước chiêu trò thuê xe tự lái để cầm cố - Ảnh 1.

Nhiều người mắc lừa chiêu trò lừa đảo giả danh khách hàng có nhu cầu thuê xe ô tô tự lái, sau đó đưa xe đi bán hoặc cầm cố. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Vào cuộc điều tra, lực lượng chức năng đã bắt được các đối tượng lừa đảo. Đối tương khai nhận, trong vai một người cần thuê xe cho công ty để phục vụ công việc kinh doanh đã lên mạng tìm và dễ dàng tiếp cận các chủ xe.

"Cho đến lúc bị bắt giữ tôi đã thuê và mang đi cầm cố 10 xe ô tô, trị giá khoảng 5 - 6 tỷ đồng. Số tiền thu được tôi dùng để quay vòng thuê xe tiếp và chi tiêu cá nhân", đối tượng Nguyễn Kim Tân, Kinh Môn, Hải Dương, khai nhận.

"Các đối tượng đã lợi dụng triệt để sự chủ quan của các chủ xe. Khi lập hợp đồng cho thuê xe, các chủ xe chỉ yêu cầu xuất trình một lần giấy tờ cá nhân sau đó chấp nhận cho đối tượng để lại bản sao chứng thực", Đại úy Trần Thế, Cán bộ Đội điều tra tổng hợp, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho hay.

Cơ quan công an nhận định, có đến 80% trường hợp chủ xe bị lừa là các trường hợp cho thuê xe tự lái dài ngày. Sự chủ quan của các chủ xe khi không tìm hiểu kỹ mục đích thuê xe, không theo dõi định vị thường xuyên để nắm được cung đường di chuyển hàng ngày của xe cũng chính là những yếu tố để kẻ xấu dễ dàng lợi dụng.

Mới đây, Công an huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai vừa bắt giữ đối tượng đối tượng Vương Trung Tá (35 tuổi), để điều tra về hành vi thuê 10 chiếc xe ô tô sau đó mang đi cầm cố.

Cẩn trọng cho thuê ô tô tự lái

Từ các vụ lừa đảo thuê xe tự lái bị cơ quan công an triệt phá thời gian qua, có một điểm chung dễ thấy đó là khi bắt giữ được các đối tượng lừa đảo, toàn bộ số tiền chiếm đoạt đã bị tiêu hết. Thiệt hại khi đó thuộc về các chủ xe và những người cầm cố hay mua phải xe gian. Vậy biện pháp nào để có thể phát hiện và ngăn chặn kịp thời chiêu trò thuê xe ô tô tự lái để mang đi cầm cố?

Tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê xe tự lái trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, kiểm tra các hợp đồng cho thuê xe ở cơ sở này, lực lượng chức năng phát hiện, các hợp đồng đều chỉ là hợp đồng được ký giữa chủ xe và người thuê xe.

"Cơ quan công an khuyến cáo khi lập hợp đồng cho thuê xe, các chủ xe phải yêu cầu người thuê xe để lại giấy tờ tùy thân bản gốc như CCCD, hợp đồng thuê xe nên được chứng thực bởi các cơ quan chức năng. Các chủ xe cũng nên yêu cầu người thuê ngoài đặt cọc bằng tiền, phải để lại những tài sản có giá trị, có thể là xe máy có giấy tờ chính chủ", Thiếu tá Lê Hải Trang, Cán bộ Đội điều tra tổng hợp, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho biết.

Cơ quan công an cũng đặc biệt lưu ý, với các xe cho thuê tự lái, các chủ xe cần gắn thiết bị định vị cho xe, cần thường xuyên theo dõi định vị để kiểm tra tài sản của mình.

"Nếu xe có gắn định vị, kể từ ngày thứ hai trở lên theo hợp đồng thuê xe, chủ xe phát hiện xe đứng yên, không di chuyển cần kiếm xe xung quanh nơi phát tín hiệu để phát hiện ra xe. Vì khi đó xe có thể bị cầm cố. Nếu đúng như vậy, chủ xe cần báo ngay cho công an nơi gần nhất và cung cấp các giấy tờ chứng minh chủ sở hữu xe để được hỗ trợ, tuyệt đối không gọi điện liên lạc với đối tượng. Vì làm như vậy, kẻ xấu sẽ tắt định vị, mang xe đi nơi khác khiến việc tìm kiếm xe khó khăn", Đại úy Trần Thế, cán bộ Đội điều tra tổng hợp, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, khuyến cáo.

Khi phát hiện xe bị ngắt định vị mà không thể liên lạc được với người thuê xe, các chủ xe cần thông báo ngay cho cơ quan công an, không nên lên mạng đăng tin tìm xe, vì làm như vậy, nhiều khi sẽ thu hút những đối tượng xấu, tiếp cận chủ xe, ngã giá tìm xe nhằm mục đích lừa đảo.

Cơ quan công an cũng khuyến cáo, xe ô tô là tài sản cần phải đăng ký quyền sở hữu. Thực hiện thủ tục sang tên một chiếc xe ô tô phải có chữ ký của chủ sở hữu. Các giao dịch mua bán đối với những đối tượng không phải chủ sở hữu thì không có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Đây là điều người dân cần ghi nhớ để tránh rơi vào trường hợp mua phải xe gian, tiếp tay cho tội phạm.

Tạm giữ hình sự 2 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 100 tỷ đồng Tạm giữ hình sự 2 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 100 tỷ đồng

VTV.vn - Công an tỉnh Quảng Bình tạm giữ hình sự 2 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức huy động tiền đáo hạn ngân hàng với số tiền hơn 100 tỷ đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước