Điều trị cho trẻ mắc cúm. (Ảnh: TTXVN)
Hiện nay, cùng với COVID-19, một số bệnh truyền nhiễm cũng đang xuất hiện và có dấu hiệu tăng, trong đó có cúm mùa, nhất là cúm A. Đối tượng dễ mắc nhất là trẻ em, bệnh cũng dễ diễn biến nặng ở trẻ.
Theo các bác sỹ, cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh thường tiến triển lành tính nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (trên 65 tuổi), trẻ em (dưới 5 tuổi) và phụ nữ có thai.
Trẻ em thường bị lây nhiễm cúm khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cúm mùa hoặc sống tại khu vực có bệnh cúm lưu hành. Nhóm trẻ có nguy cơ cao biến chứng cúm nặng là trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 2 tuổi; trẻ mắc bệnh mãn tính như chậm phát triển trí tuệ hoặc vận động, hen phế quản, tim bẩm sinh, trẻ suy dinh dưỡng hoặc béo phì nặng.
Bác sĩ cũng lưu ý, trong điều trị cúm mùa, khi nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm phải cách ly y tế người bệnh và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng.
Người mắc cúm cần được nhanh chóng đánh giá tình trạng và phân loại mức độ bệnh. Với các trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng nặng cần kết hợp các biện pháp điều trị tích cực và điều trị căn nguyên. Một số trường hợp cần được dùng thuốc kháng virus, dùng càng sớm càng tốt khi có chỉ định.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa như:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng phòng bệnh.
- Đặc biệt, hiện đã có vaccine phòng bệnh cúm mùa, người dân cần tiêm vaccine để tăng cường miễn dịch, phòng chống cúm hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!