Chiêu lừa "tổng đài ma" khi tìm kiếm số điện thoại trên Google
Những cuộc gọi, tin nhắn rác là nỗi đau đầu hàng ngày của tất cả chúng ta. Nhưng ít ra thì nó chỉ gây phiền toái. Còn những cuộc gọi lừa đảo thì làm nạn nhân mất tiền thật, thậm chí là số tiền rất lớn. Trên cả nước, tính trung bình, 1 tuần có khoảng 8-10 vụ việc nạn nhân bị rơi vào bẫy lừa đảo có trình báo với cơ quan công an.
Điều đáng nói là những thủ đoạn lừa đảo đang ngày càng tinh vi, mà gần đây đang nổi lên hình thức "tổng đài ma" - những số điện thoại giả mạo trung tâm chăm sóc khách hàng hoặc tư vấn của các thương hiệu nổi tiếng, khách hàng gọi vào sẽ tự động mất tiền.
Khi tìm kiếm nhãn hàng như Tiki, FPT, Grab... đều gặp phải tổng đài giả mạo hiện lên ở vị trí đầu tiên của danh sách
Chị Thảo (Hà Nội) muốn điện thoại tới ngân hàng để hỏi thông tin về thẻ của mình. Không biết số tổng đài, chị tra Google và gọi số tổng đài ở vị trí đầu tiên của danh sách tìm kiếm. Điều bất ngờ là "tổng đài viên" ở đầu dây bên kia thông báo: Đây không phải là tổng đài ngân hàng chị đang cần tìm. Và ngay sau đó, tài khoản điện thoại của chị thông báo, chị đã bị trừ tiền.
Trường hợp của chị Thảo gặp phải tổng đài giả mạo là trường hợp chung của nhiều người. Phóng viên VTV và nhiều người cũng đã thử nghiệm với các nhãn hàng khác như Tiki, FPT, Grab... đều gặp phải tổng đài giả mạo hiện lên ở vị trí đầu tiên của danh sách tìm kiếm, được tạo ra để thu tiền của người dùng. Bằng một số chiêu câu giờ, các cuộc gọi đến "tổng đài ma" này luôn có thời gian trên 1 phút. Trung bình, mỗi cuộc gọi, người dùng phải trả trên 10.000 đồng.
Thủ đoạn của các "tổng đài ma" là lừa người dùng gọi đến số "tổng đài ma", nghe nhạc chờ trong một thời gian dài, hướng dẫn ấn phím để gặp tổng đài viên. Nhưng sau đó sẽ báo không thể gặp được vì các tổng đài viên đều bận. Mất thời gian chờ đợi và người dùng bị trừ tiền trong tài khoản điện thoại.
Vì số tiền bị trừ không nhiều: 10.000, 15.000, 20.000 đồng, một số ít bị trừ 50.000, 100.000 đồng, nên người dùng ít để ý. Và chỉ điện thoại trả trước mới nhận thông báo trừ cước, còn với điện thoại trả sau, không nhận được thông báo, người dùng gần như hoàn toàn không để ý mình bị trừ tiền.
Giả danh công an, ngân hàng lừa đảo tiền tỷ
Bên cạnh "tổng đài ma", thời gian qua có một hình thức khác khiến nhiều người bị mất tiền lớn hơn nhiều, có người mất tới vài tỷ đồng. Đó là các đối tượng lừa đảo giả danh là Bộ Công an, ngân hàng, Viện kiểm sát.. hay bên bưu chính phát tặng phẩm, gọi điện để lừa người dùng. Thủ đoạn chính là đánh vào tâm lý sợ hãi, hoặc hám lợi của người dân.
Một nhóm lừa đảo qua điện thoại do Lê Duy Hải, 27 tuổi, ở thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cầm đầu, mới đây đã bị công an tỉnh này triệt phá. Hải đã chỉ đạo nhân viên gọi điện thoại lừa đảo, thông báo người dùng trúng thưởng điện thoại iPhone X cùng phiếu mua hàng tại siêu thị, yêu cầu người trúng thưởng phải đóng 10% giá trị giải thưởng (tương đương khoảng 3 triệu).
Người đàn ông này cũng nhận được điện thoại thông báo, ông đang đứng tên một tài khoản dùng để rửa tiền xuyên quốc gia. Đối tượng gọi điện giả danh là người của cơ quan công an yêu cầu ông phải chuyển 2,2 tỷ đồng vào tài khoản để phục vụ công tác điều tra xác minh.
Phương thức tinh vi của tội phạm là sử dụng công nghệ để tạo ra những số điện thoại gần giống với số của Bưu chính, Bộ Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng để gọi điện đến người dân. Các số điện thoại lừa đảo hầu hết là cuộc gọi có đầu số quốc tế về Việt Nam, sử dụng hàng loạt đầu số với những mã quốc gia không có thực như: +375, +371, +381, +563, +370, +255…
Một số đầu số lừa đảo với những mã quốc gia không có thực
Các nhà mạng mới đây đã áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, xác định được số điện thoại lừa đảo để chặn ngay theo thời gian thực.
Không chỉ Việt Nam, ngay cả ở các quốc gia phát triển như Mỹ hay châu Âu cũng ghi nhận sự gia tăng số vụ lừa đảo qua điện thoại, với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Trong vòng 5 năm qua, người dân Mỹ đã bị lừa ít nhất 450 triệu USD với những chiêu thức không khác gì mấy so với thực trạng hiện nay ở Việt Nam. Điều đó cho thấy loại tội phạm này không dễ kiểm soát.
Không còn cách nào khác, ngoài các biện pháp kỹ thuật từ cơ quan chức năng, người dùng cần tỉnh táo, trước khi tương tác với bất kỳ số điện thoại lạ nào hãy dừng lại một chút, suy xét xem đó có thể là một rủi ro tiềm ẩn hay không.
Cùng tìm hiểu thêm về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay với phần trao đổi với ông Trần Quang Hưng, quyền Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục an toàn thông tin, Bộ TT&TT.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!