Những hình ảnh được ghi nhận ngay cuối tuần trước tại công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn giao nhau với Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh cho thấy hàng trăm thiết bị, máy móc gỉ sét, hư hỏng, bị cỏ dại phủ kín sau hơn 3 năm ngưng trệ. Hai cầu dẫn từ tuyến Quốc lộ 50 lên cao tốc nằm trơ trọi. Lãng phí và mất thẩm mỹ là điều mà người dân cảm nhận rõ mỗi khi qua đây.
Tương tự, tại gói thầu J2, đoạn qua huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, các trụ đèn chiếu sáng bị gỡ nắp, cắt trộm dây diện, đường cáp điện chiếu sáng trên đoạn này bị mất trên 80%. Cách đó không xa, cầu Phước Khánh, một trong những hạng mục quan trọng nhất của dự án, bắc qua sông Lòng Tàu nối huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh và Nhơn Trạch, Đồng Nai, do không được bố trí vốn, việc thi công cầu đã dừng từ năm 2019 đến nay, dù đã đạt hơn 80% khối lượng, gây ra sự lãng phí rất lớn kể cả khi được tái thi công trở lại.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư, được khởi công tháng 10/2014, tuyến dài 58km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỉ đồng. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện có một số thay đổi về cơ chế, chính sách dẫn đến không được bố trí vốn nên phải dừng thi công từ giữa năm 2019. Do thời gian dừng thi công kéo dài nên nhiều nhà thầu đã rút bớt thiết bị, nhân công khỏi công trường, sau đó đề nghị chấm dứt hợp đồng. Tính đến đầu tháng 3 năm nay, dự án có 4/11 gói thầu cơ bản hoàn thành.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc tái khởi động các gói thầu bị chấm dứt hợp đồng sẽ chậm và khó khăn do một số gói thầu đã dừng thi công trong thời gian dài, việc huy động lại nhà thầu để khớp nối các hạng mục không dễ dàng. Hơn nữa, dự án chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, dẫn đến một số vướng mắc về thủ tục pháp lý để phê duyệt. Vì vậy, nguy cơ khó tiếp tục triển khai, chậm tiến độ của dự án là điều khó tránh khỏi trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!