Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án (QLDA) đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, đối với Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ, giá trị khối lượng thi công mới chỉ đạt 1,321% tổng giá trị thực hiện. Nguyên nhân là do gặp nhiều khó khăn về nguồn vật liệu cát san lấp cho dự án; công tác bàn giao mặt bằng chưa liên tục.
Từ khi khởi công dự án đến nay, các nhà thầu chỉ thi công những hạng mục phần cầu, riêng phần đường do chưa có nguồn vật liệu cát san lấp nên các nhà thầu chỉ tiến hành công tác nạo vét hữu cơ, dọn dẹp mặt bằng, đào đất không thích hợp và đắp khuôn đường.
Vừa qua, UBND tỉnh An Giang đã có bản xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên sông Tiền đoạn thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, phục vụ dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua TP Cần Thơ theo cơ chế đặc thù được Quốc hội và Chính phủ cho phép.
Ông Nguyễn Tất Đạt - Chỉ huy trưởng gói thầu 11, cao tốc trục ngang thuộc Tập đoàn Định An - cho biết, sau gần 1 năm đơn vị mới tìm được nguồn cát để triển khai thi công. Hiện nhà thầu và công nhân đang đào nền, lắp đường ống để vận chuyển cát vào điểm tập kết, rồi sau đó chở đi san lấp.
"Hiện có 7 xà lan vận chuyển cát liên tục từ An Giang về tới công trường tại Cần Thơ. Công suất khai thác mỏ đạt khoảng 5.000 - 7.000 m3 cát/ngày", ông Đạt nói.
Theo ông Đạt, tại mỏ cát trên sông Tiền đoạn thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, đơn vị sử dụng 6 xáng cạp, dung tích gầu 3,6 m3 để khai thác xuyên suốt từ 7h – 17h mỗi ngày.
Trong quá trình thực hiện khai thác, các hoạt động đều được nhà thầu phối hợp với hệ thống giám sát tài nguyên khoáng sản của tỉnh An Giang theo dõi, quản lý, thông qua các thiết bị định vị và giám sát hành trình.
Tuy nhiên, trữ lượng mỏ cát này chỉ được 3,2 triệu m3 cát, trong khi nhu cầu TP Cần Thơ sử dụng cho cao tốc trục ngang khoảng 7 triệu m3 cát, như vậy số lượng cát còn thiếu nhiều.
"Trong thời gian triển khai thi công, chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ các địa phương để tìm thêm nguồn cát chuẩn bị cho thi công dự án trong thời gian tới", ông Đạt cho hay.
Liên quan đến việc sử dụng nguồn cát biển vào dự án, Ban QLDA đầu tư xây dựng TP Cần Thơ cho rằng việc tiến hành khai thác, sử dụng cát biển sẽ không đảm bảo tiến độ của dự án do mất nhiều thời gian để tổ chức thí điểm, đánh giá mức độ tác động môi trường và việc ban hành tiêu chuẩn, định mức của các Bộ chuyên ngành. Do đó, Ban QLDA kiến nghị dự án sử dụng nguồn cát sông cho dự án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!