Trước phiên xét xử bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm, an ninh được thắt chặt từ sớm. Ảnh: Hải Minh
Ngày 21/9/2023, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nuớc; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" do Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) cùng 4 đồng phạm là: Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân và Đặng Anh Quân thực hiện. Vụ án được khởi tố từ tháng 3/2022, trải qua nhiều quy trình tố tụng và đến nay mới được đưa ra xét xử sơ thẩm lần đầu.
Người dân không có nhiệm vụ không được phép tụ tập trước khu vực được bảo vệ an ninh. Ảnh: Hải Minh
Để đảm bảo trật tự quanh khu vực, lực lượng chức năng đã tăng cường hàng rào an ninh. Ảnh: Hải Minh
Theo cáo trạng được đại diện Viện Kiểm sát công bố tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ, thực hiện nhiều buổi livestream trên không gian mạng, phát ngôn có nội dung bịa đặt, biết rõ thông tin không đúng sự thật hoặc thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân: đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của các ông, bà: Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), Ðặng Thị Hàn Ni (cựu nhà báo-luật sư, thạc sĩ luật Hàn Ni), Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng), Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh), Ðinh Thị Lan, Lê Thị Giàu, Trương Việt Hà.
Bị cáo Đặng Anh Quân (Tiến sĩ Luật, giảng viên đại học) đã tương tác, tham gia bình luận trực tiếp với Hằng trong 11 buổi livestream của bà Hằng cổ vũ về tinh thần, tiếp thêm ý chí cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, trong buổi livestream ngày 24/12/2021, bị cáo Quân đã phát ngôn có nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của ông Hoài Linh.
Các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng Truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam) đã tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội, kết nối các tài khoản mạng xã hội vào Internet; thông báo thời gian, chủ đề livestream, chuẩn bị nội dung, sân khấu để bà Hằng livestream và đăng tải các bài viết của bà Hằng lên các trang mạng xã hội, theo chỉ đạo của bà Hằng.
Cáo trạng cũng xác định, đối với ông Huỳnh Uy Dũng (chồng của bị cáo Hằng), trong 57 buổi livestream có nội dung vi phạm pháp luật, ông Dũng có tham gia 1 buổi livestream vào ngày 31/12/2021 (có nội dung xúc phạm theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Đức Hiển). Nhưng video clip thu giữ thể hiện ông Dũng tham dự sau khi bị cáo Hằng đã chấm dứt việc phát ngôn xúc phạm ông Hiển và không có tài liệu để xác định trong buổi livestream ngày 31/12/2021, ông Dũng đã có phát ngôn xúc phạm ông Hiển. Ngoài ra, quá trình điều tra xác định không có cơ sở để xử lý hình sự về vai trò của ông Huỳnh Uy Dũng đã đồng phạm giúp sức cho bị cáo Nguyễn Phương Hằng trong các buổi livestream tại nhà riêng, tại trụ sở và trong buổi đua chó, nên Cơ quan điều tra không khởi tố và Viện Kiểm sát cũng đồng quan điểm.
Tại phiên tòa hôm nay, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông, bà: Nguyễn Thị Mỹ Oanh, Trương Thị Việt Hà, Huỳnh Minh Hưng, Đặng Thị Hàn Ni, Nguyễn Đình Kim có mặt tại phiên tòa. Các ông, bà: Võ Nguyễn Hoài Linh, Nguyễn Đức Hiển, Lê Thị Giàu, Huỳnh Uy Dũng, Trần Thị Thủy Tiên, Lê Công Vinh vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt.
Trước đó, trong phần làm thủ tục xét xử, các luật sư bảo vệ cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án đề nghị Hội đồng xét xử thay đổi tư cách tham gia tố tụng của những người này thành bị hại ngay tại phần thủ tục phiên tòa. Luật sư Nguyễn Thành Công (bảo vệ cho nhà báo Đức Hiển) cho biết đã khiếu nại vấn đề này lên Chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao và vẫn đang chờ kết quả trả lời khiếu nại nên đề nghị hoãn phiên tòa.
Nêu quan điểm, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng việc xem xét tư cách tham gia tố tụng thuộc về thẩm quyền Hội đồng xét xử. Về tư cách tham gia tố tụng của những người liên quan sẽ được Hội đồng xét xử thể hiện thông qua bản án.
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vụ án, không đồng ý hoãn phiên tòa như đề nghị của luật sư.
Truyền thông theo dõi phiên tòa qua màn hình kết nối với khu vực xét xử. Ảnh: Thành Chung - TTXVN
Khoảng 8h, phiên tòa bắt đầu với phần thủ tục. Sau đó hàng loạt các luật sư của người được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã yêu cầu đề nghị thay đổi xác định lại tư cách tham gia tố tụng của thân chủ, thành bị hại trong vụ án này.
Theo luật sư, đây là nội dung rất quan trọng là tiền đề giải quyết vụ án. Còn Viện Kiểm soát cho rằng trong vụ án này, Viện Kiểm soát truy tố các bị cáo về tội lợi dụng các qyền tự do dân chủ, xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, khách thể của tội danh là trật tự quản lý hành chính. Thay đổi tư cách thì sẽ thay đổi tội danh và việc này để trong phần sau của phiên tòa đề nghị.
Trong buổi sáng, phiên tòa cũng dành phần lớn thời gian đọc cáo trạng các bị cáo và xét hỏi bị cáo Nguyễn Phương Hằng. Theo dự kiến, phiên tòa xét xử vụ bà Nguyễn Phương Hằng sẽ diễn ra trong 2 ngày 21-22/9 tại TP Hồ Chí Minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!