Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã cải tạo, nâng cấp và làm mới nhiều cầu đi bộ ở các khu vực gần trường học, bệnh viện và những nút giao thông đông đúc. Tuy nhiên, người đi bộ lại thờ ơ với những cây cầu được xây dựng dành cho mình và vẫn chọn cách băng qua đường dù nguy hiểm.
Cầu vượt dành cho người đi bộ trên phố Chùa Bộc, đoạn gần Học viện Ngân hàng thường ít người đi qua, kể cả khi phải chen lẫn giữa những dòng xe cộ đông nườm nượp thì đó vẫn là lựa chọn của nhiều người.
''Đi bộ lên cầu thang mỏi chân. Tôi thấy đi dưới lòng đường tiết kiệm được thời gian hơn, nhất là khi đang vội'', chị Thùy Linh, phố Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết.
Cũng có những người dù muốn nhưng vẫn phải hạn chế đi lên cầu bởi ngần ngại phải đối mặt với những rủi ro. Không có gì để giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn cho người đi bộ trên những cây cầu này. Khi cầu đi bộ vừa có mái che, vừa được che kín bởi các biển quảng cáo thì sẽ bị chiếm dụng theo nhiều cách khác nhau. Đó có thể là nơi ở của người vô gia cư hoặc nơi trú chân của những gánh hàng rong.
Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam: ''Qua quá trình sử dụng bộc lộ bất cập, gây cảm giác mất an toàn. Thư hai, kết cấu, kiến trúc của cầu đi bộ chưa đẹp, thậm chí là không thuận lợi cho người đi bộ như đường dẫn dài, các bậc cao nên người ta ngại''.
Hà Nội có khoảng 70 cầu dành cho người đi bộ. Rất nhiều trong số đó không thân thiện với người sử dụng. Bị che chắn quá kỹ bởi những tấm biển quảng cáo đem lại cảm giác bất an. Tất cả trong số đó đều không được thiết kế dành cho người khuyết tật. Những điều này cần phải thay đổi để cầu đi bộ an toàn với tất cả mọi người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!