Vài năm gần đây, người dân Sơn La bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Việc chuyển dần từ trồng cây ngô sang cây đào đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tết năm ngoái, chỉ với số ít đào trồng lâu năm, nhà anh Tánh Lau Gàng (xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu) thu hoạch được gần 40 triệu đồng, một khoản tiền lớn mà trước đây khó lòng có được.
"Đào này thì cũng kha khá đấy chị ạ, có cây được 5 - 6 triệu nhưng có cây được 500 - 600 thôi. Trồng đào này rất dễ không phải chăm sóc nhiều, nương xấu trồng ngô không được thì đào vẫn lên tốt" - anh Gàng cho hay.
Trong vườn nhà ông Giàng Lao Si có những cây đào mèo chính gốc có giá trị rất cao. Năm 2020, khách trả 20 triệu cho một cây nhưng ông chưa bán, năm nay, ông Si bảo nếu thiếu tiền ăn Tết thì ông sẽ bán.
Giờ đây, đào không chỉ là cây bản địa mang bản sắc vùng cao mà đào còn là cái tết ấm no cho những người dân nơi đây.
Anh Gàng cho biết: "Đối với người Mông thì cây đào không để làm gì, mình chỉ bán cho người xuôi mang về Tết".
"Chú mong bán để có tiền. Chờ các con về đông đủ ăn Tết, thế thôi" - ông Si chia sẻ.
Còn khoảng 20 ngày nữa Tết về. Ông Giàng Lao Si, anh Tánh Lau Gàng và nhiều nông dân khác đều mong muốn những cành đào rực rỡ, thanh khiết sẽ kịp đến với những người yêu hương sắc hoa đào mà họ dày công vun trồng, chăm chút.
UBND huyện Vân Hồ, Sơn La vừa thống nhất và đưa vào sử dụng 2 mẫu tem cho đào trồng Các mẫu tem này vừa giúp quảng bá, vừa giúp xác nhận đào trồng của huyện Vân Hồ. Số lượng ban đầu khoảng hơn 10.000 tem, tùy theo nhu cầu có thể sẽ phát hành thêm.
Kinh phí in tem sử dụng nguồn xã hội hóa, mỗi tem trị giá khoảng 1.000 đồng. Ngoài việc cấp tem, các thương lái đến mua đào tập trung phải có giấy xác nhận việc mua đào ở đâu, mua với hộ gia đình nào, số lượng bao nhiêu… để chứng minh nguồn gốc đào, giúp lưu thông thuận tiện hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!