Chậm trễ cải tạo nhà chung cư cũ ở Hà Nội: Vướng mắc ở đâu?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 08/02/2023 06:08 GMT+7

VTV.vn - Vì sao các tòa nhà chung cư cũ ở Hà Nội chưa thể được xây dựng dù đã xuống cấp trầm trọng đến mức cực kỳ nguy hiểm?

Hà Nội vừa có quyết định di dời khẩn cấp ngay trong quý I, 4 khu chung cư cũ ở cấp độ D, cấp cực kỳ nguy hiểm, có thể đổ sập bất kỳ lúc nào. Đây được coi là động thái quyết liệt trước tình trạng chậm trễ cải tạo nhà chung cư cũ nhiều năm nay.

Với hơn 1.500 căn hộ xuống cấp gắn với cuộc sống của gần 250.000 người. Hà Nội sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào để đảm bảo tiến độ và xử lý được những vướng mắc tồn tại lâu nay?

Vấn đề cải tạo chung cư, tập thể cũ đã được Hà Nội đặt ra từ hơn 20 năm trước, mục tiêu đến năm 2015 sẽ hoàn thành. Nhưng đến nay, mới chỉ có 19 tập thể cũ được cải tạo; 14 đang triển khai. Cuối năm 2022, thành phố Hà Nội khởi động lại đề án này, bắt đầu với những chung cư cũ cấp độ D - nguy hiểm. Và mới đây nhất là quyết định trong 3 tháng đầu năm di dời toàn bộ hộ dân khỏi nhà chung cư xuống cấp nguy hiểm.

10 khu chung cư cũ ưu tiên triển khai đợt 1 gồm: 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D, tức là nguy hiểm mức độ cao nhất. Đó là: chung cư Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp. Và 6 khu chung cư xuống cấp khác là: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.

Các quận: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy được thành phố yêu cầu khảo sát hiện trạng, kiểm định, lập quy hoạch, hoàn thành chậm nhất trong quý II; và tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án trong quý 3.

Chậm trễ cải tạo nhà chung cư cũ ở Hà Nội: Vướng mắc ở đâu? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Cho đến thời điểm này, 2/4 chung cư ở cấp độ D đã hoàn thành việc di dời toàn bộ người dân.

VƯỚNG MẮC CẢI TẠO NHÀ NGUY HIỂM BUỘC PHẢI DI DỜI KHẨN CẤP

Để cải tạo các tòa nhà chung cư cũ, phương án được đưa ra là các hộ dân sẽ bàn giao nhà cho doanh nghiệp để thực hiện việc cải tạo. Người dân sẽ được tái định cư tại nơi ở cũ, doanh nghiệp xin nâng tầng để kinh doanh số căn hộ còn lại sau khi đã trả nhà cho các hộ dân cũ. Thế nhưng một trong những lý do khiến các tòa nhà chưa thể xây dựng. Đó là do giữa các bên chưa có tiếng nói chung.

Tòa nhà tạm cư mới vừa chia tay 110 hộ dân đã tạm cư tại đây suốt 14 năm để chờ cải tạo khu chung cư nguy hiểm C1 Thành Công. Hiện dự án đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư là công ty cổ phần đầu tư xây dựng Cienco 1, đơn vị cải tạo tòa nhà, hiện vẫn nợ thành phố Hà Nội trên 60 tỷ đồng tiền thuê nhà tạm cư cho các hộ này. Nguyên nhân là do dự án kéo dài quá lâu, và tiền thuê nhà tăng ngoài sự dự tính của doanh nghiệp.

Những khúc mắc kiểu như thế này xảy ra ở hầu hết dư án cải tạo nhà nguy hiểm, cải tạo nhà chung cư cũ xây mới trên địa bàn thành phố Hà Nội. Và thực tế cho thấy khi không triển khai được, cả người dân và doanh nghiệp đều mắc kẹt. Người dân thì không thể trở về nhà còn doanh nghiệp không muốn triển khai vì không có lãi.

Một trong những giải pháp để có thể giải quyết những vướng mắc này là việc cần phải sửa đổi Luật Nhà ở. Đây được coi là hành lang cho việc cải tạo nhà nguy hiểm, chung cư cũ được thuận lợi. Bên cạnh đó, những bài học từ việc cải tạo các chung cư cũ trước đó cũng là cơ sở quan trọng cần lưu tâm. Nhà ở luôn là nhu cầu thiết yếu nhất của mỗi gia đình, chỉ khi nào người dân có thể an cư thì mới lạc nghiệp. Các đô thị cũng mới có thể thay đổi bộ mặt và phát triển văn minh, an toàn hơn.

Ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước