Ngành du lịch đang phục hồi. 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam ghi nhận lượng khách quốc tế đến đạt gần 50% mục tiêu của cả năm 2023, cùng với đó là 38 triệu lượt khách nội địa. Liên tiếp từ đầu năm đến nay, Việt Nam được báo chí quốc tế, đặc biệt là được các chuyên trang du lịch gọi tên, với những bình chọn tôn vinh điểm đến, ẩm thực. Đây là những tín hiệu lạc quan đáng phấn khởi. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện ngày càng nhiều biểu hiện xấu xí, chộp giật, chặt chém trong hoạt động du lịch đã bị cơ quan chức năng xử phạt, gây bức xúc cho du khách trong nước cũng như quốc tế.
Xuất hiện nhiều sai phạm trong hoạt động du lịch
Tháng 1 vừa qua, một nhà hàng ở Sapa bị phạt 7.5 triệu đồng vì tự ý nâng giá so với niêm yết. hai du khách người Thái Lan gọi một đĩa lợn rừng nướng, hai đĩa cơm gà, một chai nước suối và một chai nước ngọt. Tổng hóa đơn là 925.000 đồng, cao hơn giá niêm yết hơn 600.000 đồng
Tháng 2, 1 tài xế ở Đà Nẵng bị xử phạt 11 triệu đồng vì thu tiền của du khách cao gấp hơn 10 lần cước thông thường. Cụ thể, tài xế này chở 1 du khách Hàn Quốc từ sân bay về khách sạn, quãng đường chỉ 4.5km nhưng lấy giá 2.1 triệu đồng
Các đối tượng bị xử phạt do sai phạm liên quan đến hoạt động du lịch.
Tháng 4, UBND TP Nha Trang đã ra quyết định xử phạt đối với hộ kinh doanh Thạnh Sương số tiền 20,75 triệu đồng. Trước đó, 3 vị khách Trung Quốc tố quán "chặt chém" giá với 8,7 triệu đồng cho 11,8kg hải sản.
Tháng 5, Khách sạn Sea Sand Hotel 1 ở TP Đà Nẵng bị xử phạt hành chính 20 triệu đồng do bàn giao cho khách phòng mất vệ sinh, không được dọn dẹp
‘Nở rộ’ các điểm du lịch trái phép
Ngay từ hội nghị du lịch cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cảnh báo: làm du lịch không phải là làm kiểu "ăn xổi ở thì", bởi như vậy khách chỉ đến được vài lần, không thể bền vững. Lời cảnh báo ấy không phải mới, nhưng vẫn đang đặt ra câu hỏi lớn với du lịch trong nước. Ngay như thị trường du lịch mùa lễ 30/4 - 1/5 năm nay, có đến 60% khách Việt chọn đi du lịch nước ngoài. Các điểm đến trong nước thiếu hấp dẫn khi giá dịch vụ cao, nhiều nơi tranh thủ bắt chẹt khách, và cả nhiều dịch vụ du lịch không phép xuất hiện.
Tại một điểm du lịch nằm ở thôn 5, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nhiều công trình tiểu cảnh, nhà tạm được dựng lên. Ngoài nghỉ dưỡng, ăn uống, các dịch vụ liên quan đến sông nước như chèo SUP cũng được triển khai, phục vụ hàng chục lượt khách mỗi ngày. Dù được đầu tư bài bản, thế nhưng, điểm du lịch này lại đang hoạt động trái phép.
Còn tại một điểm du lịch ở xã Cư Êbur, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Lợi dụng đề án chăn nuôi ngựa, cơ sở này xây dựng trái phép nhiều hạng mục như: Khu nhà hàng, khu cà phê, khu hồ bơi, khu đua xe địa hình… Dù đã bị xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu khôi phục tình trạng ban đầu, tuy nhiên, đến nay cơ sở này không những không khôi phục lại tình trạng của đất mà vẫn còn tiếp tục hoạt động kinh doanh rầm rộ hơn.
Hiện vẫn còn nhiều điểm du lịch tự phát, hoạt động trái phép. Dù là phù hợp xu hướng phát triển du lịch của địa phương, tuy nhiên, việc sử dụng đất sai mục đích, đầu tư xây dựng không đúng theo quy định sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, nhất là tại khu vực gần danh lam thắng cảnh, di tích.
Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trong thời gian tới… Với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện". Để thực hiện phương châm này, cần thay đổi mạnh mẽ tư duy của cả người làm du lịch và cơ quan quản lý để khắc phục các tồn tại.
Trong Nghị quyết mới ban hành, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Thực tế, Việt Nam vẫn là thị trường du lịch hấp dẫn đối với du khách nước ngoài. Song nếu dịch vụ không đủ tốt, điểm đến không tạo được sự thân thiện thì không thể có sức hút để du khách quay lại, nhất là trong bối cảnh du lịch toàn cầu đang hồi phục mạnh mẽ, dự báo lượng khách du lịch năm nay sẽ đạt 75% so với trước đại dịch, nghĩa là mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Vì vậy, khai thác và phát triển du lịch bền vững, khắc phục ngay những biểu hiện xấu xí sẽ là nền tảng để Việt Nam đạt được các mục tiêu lớn đã đặt ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!