Nghề đan rọ tôm được hình thành từ khi có hồ Thác Bà. Người dân chủ yếu dựa vào sản xuất rừng và khai thác thủy sản lòng hồ, coi đây là nguồn thu nhập chính của mình. Tuy nhiên, trong những năm gần đây làng nghề không còn nhộn nhịp như trước, do nhu cầu sử dụng rọ giảm dần cùng với sự ra đời của những công cụ đánh bắt thủy sản mới như rọ bát quái, lưới lớn…, nguồn thủy sản tự nhiên cũng giảm sút đáng kể.
Bên cạnh đó, nguyên liệu làm rọ tôm từ thiên nhiên như tre, nứa, giang… cũng không còn nhiều.
Thực tế cho thấy, quá trình lấy nguyên liệu rất vất vả, người dân phải lên tận đồi cao mới có thể lấy được giang, nứa. Trước đây, người dân sẽ trực tiếp đi lấy, còn bây giờ để tiết kiệm thời gian họ sẽ mua lại của những người chuyên lấy nứa, giang bán.
Cùng với khó khăn của việc lấy nguyên liệu, để tạo thành một chiếc rọ hoàn chỉnh cũng cần phải trải qua rất nhiều công đoạn.
Chẻ lạt nứa đòi hỏi phải có bàn tay thật sự khéo léo lạt mới mỏng, dẻo, không bị xước.
Chị Huế tại xã Phúc An, huyện Yên Bình cho biết "ngày xưa gần như cả làng đan rọ nhưng bây giờ chỉ còn nhà chị và một vài nhà nữa trong xóm còn giữ nghề. Bởi đầu ra cũng khó, vất vả trong khâu lấy nguyên liệu tính ra lời lãi cũng chẳng còn bao nhiêu nên rất nhiều nhà bỏ đan rọ".
Dễ nhận thấy, những người đan rọ hiện nay chủ yếu là người già và trẻ em. Vì so với việc đan rọ có thu nhập thấp thì người ta sẽ lựa chọn hướng đi khác tốt hơn.
Chợ sớm xã Xuân Lai, Yên Bình, Yên Bái còn có tên gọi khác là "chợ rọ". Phiên chợ bắt đầu từ 3 giờ sáng, đây nơi mà người dân của các xã lân cận và nhiều nơi khác đều đến đây để mua bán.
Trước đây, đây là khu chợ mua bán rọ là chủ yếu. Nhưng hiện nay, chỉ còn lác đác vài người đứng bán rọ và ít những người đến hỏi mua.