Cháy ở cơ sở karaoke: Có kỹ năng an toàn sẽ hạn chế thương vong cao

Đ.Huyền-Thứ năm, ngày 08/09/2022 19:01 GMT+7

VTV.vn - Theo chuyên gia, cần liên tục trau dồi kỹ năng phản ứng thực tế, khi rơi vào tình huống nguy hiểm, có kỹ năng sẽ giúp tâm lý ổn định và đưa ra hành động chuẩn xác.

Cháy ở cơ sở karaoke: Có kỹ năng an toàn sẽ hạn chế thương vong cao - Ảnh 1.

Vụ cháy quán karaoke An Phú tại TP Thuận An, Bình Dương ngày 6/9 làm 32 người thiệt mạng được xem là thảm họa.

Theo Chuyên gia Tâm lý tội phạm Đoàn Văn Báu - người tham gia tập huấn huấn luyện nhiều tình huống cứu hộ cứu nạn, tác giả bộ sách kỹ năng an toàn cho học sinh THPT - mọi người cần liên tục trau dồi kỹ năng phản ứng thực tế, khi rơi vào tình huống nguy hiểm, có kỹ năng sẽ giúp tâm lý ổn định phán đoán và đưa ra hành động chuẩn xác.

- Sau sự việc hỏa hoạn để lại hậu quả nghiêm trọng tại quán karaoke ở Bình Dương, anh nhận thấy kỹ năng và phản ứng chung của khách và nhân viên các quán karaoke khi có sự cố đã sát thực tế chưa?

Trước hết, phải nói rằng tất cả cơ sở karaoke hiện nay đều có quy chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC), có sự kiểm tra nghiêm nhưng việc thực hiện thế nào và hiệu quả thế nào mình khó đánh giá được. Đặc điểm của các tụ điểm karaoke hiện nay là rất nhiều vật liệu cách âm, mặc dù quảng cáo chống cháy nhưng rất dễ cháy và cháy tốc độ lan rất nhanh. Thêm nữa là luôn có phòng khép kín, khi cháy xảy nguy cơ ngọn lửa lan rất nhanh, người ở trong đó không xử lý nhanh và không có kỹ năng thì rất nhanh sẽ nguy hiểm tính mạng.

Phải nhìn nhận thực tế hiện nay đa số người đến quán karaoke là đi ‘tăng 2, tăng 3’ rồi và thường không tỉnh táo. Khi vào vào quán, khách có tâm lý chung là tập trung vào hát và không chú ý đến cửa thoát hiểm, lối thoát hiểm ở chỗ nào. Dó đó, không biết phương hướng để chạy khi có sự cố. Thêm vào đó, phòng karaoke thường khép kín khi báo động báo lên họ không nghe được, nhân viên đến gõ cửa thường họ không phản ứng hoặc lơ là cho qua. Mà khi đám cháy vừa bắt đầu chính là thời gian vàng để ứng cứu, không thoát ra kịp thì nguy cơ tử vong rất là cao.

Nói về kỹ năng thì thực ra kỹ năng thoát hiểm hiện nay của chúng ta rất hạn chế. Như vụ việc đau lòng vừa qua có 9 người chạy vào nhà vệ sinh để trốn, như vậy rất nguy hiểm, vì họ nghĩ nhà vệ sinh có nước nhưng không để ý rằng vẫn hở và khói độc vẫn vào, rất nhanh đẫn đến chết người. Nếu có kỹ năng xử lý cơ hội sống sót rất cao. Do không có kỹ năng, kết hợp nhiều yếu tố như công tác PCCC của cơ sở, kết cấu phòng ốc,… dẫn đến sự cố đau lòng xảy ra, thương vong rất nhiều người như vậy.

- Thực tế hiện nay các cơ sở tập huấn rất thường xuyên, nhưng tại sao tập huấn nhiều nhưng khi có sự cố hậu quả vẫn nghiêm trọng?

Tập huấn ở các cơ sở hiện nay không thể giải quyết hết được. Hiện nay các đơn vị tập huấn theo kiểu chuyên đề, ví dụ tập huấn ở các cơ sở karaoke chỉ mời các chủ cơ sở đến, nhân viên hầu hết không được tập huấn. Thậm chí, nhân viên thay mới liên tục, người khác vào làm không được tập huấn nên khi sự cố xảy ra họ không có kỹ năng xử lý. Phải nói hiện nay tập huấn không sát thực tế, nó chỉ sơ bộ thôi, chứ xử lý tình huống thực tế cụ thể thế nào thì nhân viên mới tiếp cận và có thể xử lý. Phải tập cho họ cái phản xạ và kỹ năng thực hành chứ không phải lý thuyết.

Cháy ở cơ sở karaoke: Có kỹ năng an toàn sẽ hạn chế thương vong cao - Ảnh 2.

CS PCCC xử lý đám cháy tại karaoke An Phú đêm 6/9, rạng sáng 7/9.

- Với tình huống cụ thể ở Bình Dương, yếu tố tâm lý bình tĩnh và kỹ năng xử lý rất quan trọng, khi tập huấn chúng ta cần xem xét những yếu tố gì cho phù hợp thực tế?

Khi một người nắm được kỹ năng rơi vào tình huống thực tế thì họ rất bình tĩnh còn những người chưa nắm được kỹ năng họ rất hoảng hoạn. Tâm lý hoảng loạn này dẫn đến chạy như ong vỡ tổ và rất có nguy cơ để lại hậu quả nguy hiểm hơn. Như trong vụ việc ở Bình Dương, công an và những người làm chứng chia sẻ thậm chí có trường hợp nhân viên gõ cửa họ hoảng loạn cố thủ không mở cửa hoặc do quá hoảng loạn chạy ngược với hướng dẫn, chạy xuống dưới thì lại chạy lên trên… Hoảng loạn và thiếu kỹ năng dẫn đến người ta hành động không đúng…

- Tâm lý hoảng loạn khiến nhiều người quên hết kỹ năng, làm thế nào để chúng ta bình tĩnh đối phó, ứng dụng kỹ năng đã có?

Tôi nhấn mạnh kỹ năng rất quan trọng. Khi nghe nhân viên báo cháy, bình tĩnh phán đoán sự việc rất quan trọng. Trong những trường hợp như vậy cần có một người ra ngoài nhận định tình hình xem đám cháy ở hướng nào, hướng thoát hiểm ở đâu rồi quay lại chuẩn bị phương tiện để vượt qua đám cháy, ví dụ như khăn, vải ướt… Nếu trong trường hợp đám cháy lan tới rồi phải cố thủ trong thì phòng chuẩn bị phương tiện chặn khói và chờ ứng cứu tới. Nếu phải chạy, cần bình tĩnh phán xét làn khói hướng nào, di chuyển bò sát xuống sàn tránh làn khói, dùng vải ướt che mặt,… Khi qua lửa, nếu lửa bén lên người mà bỏ chạy nhanh sẽ gây bỏng nặng mà phải di chuyển bằng cách lăn qua lăn lại để dập lửa. Đây là những kỹ năng an toàn rất cơ bản…nhưng cần bình tĩnh ứng dụng thì mới đưa ra hành động thoát hiểm đúng.

- Theo anh, sau sự việc này, để lại những bài học gì trong công tác PCCC tại các quán karaoke?

Đầu tiên phải rà soát lại tất cả các cơ sở kinh doanh karaoke, không chỉ Bình Dương mà trên cả nước. Chúng ta hiện nay có nhiều cơ sở, khi kiểm tra nhiều nơi chỉ đối phó. Cần kiểm tra và tập huấn phải làm sao cho chủ cơ sở hiểu và nhận thức được nếu sự cố xảy ra thì họ là đơn vị chịu thiệt hại nhiều nhất. Dó đó, việc an toàn của khánh hàng là trên hết. Phải nâng cao kỹ năng PCCC cho nhân viên, cả nhân viên mới và cũ, tập huấn phải đi vào thực chất chứ không chỉ làm cho có.

Thứ 2 nữa là nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng cháy cho người dân và học sinh trong các trường phổ thông. Ví dụ như đi hát karaoke đầu tiên vào phòng nên quan sát một vòng, xác định phòng mình hát đang ở đâu, có những lối thoát nào xung quanh, nên đi quan sát một vòng rồi vào hát. Khi vào phòng quan sát lỗ thông gió hướng nào và thiết bị báo cháy, báo động ở đâu, khi có sự cố thì bình tĩnh thực hiện các kỹ năng, tất cả những yếu tố này là kỹ năng. Và kỹ năng thì cần trang bị cho mình liên tục chứ không chỉ sau sự cố dấy lên rồi lại lãng quên…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước