Chạy thận để cải thiện chất lượng sống

Thắng Vũ-Thứ năm, ngày 29/02/2024 08:58 GMT+7

BS.CKII Nguyễn Thị Thanh Thùy, khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, thăm hỏi người bệnh chạy thận nhân tạo. Ảnh: Thắng Vũ

VTV.vn - Thay vì nghĩ tiêu cực phải chạy thận cả đời, chị M., 41 tuổi, coi chạy thận 3 buổi một tuần là thời gian để cơ thể nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng để chăm sóc gia đình.

Thoải mái như ở nhà

Đều đặn mỗi thứ 2-4-6 hàng tuần, chị Đ.H.M. (Tiền Giang) đến khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh chạy thận. Trước buổi chạy thận, điều dưỡng khoa đo cân nặng, huyết áp, nhịp tim cho chị nhằm đảm bảo chị đủ sức khỏe xuyên suốt 4 tiếng chạy thận (từ 7 giờ đến 11 giờ sáng). Các chỉ số này được ghi chép cẩn thận để so sánh với kết quả sau chạy thận.

Sau khi sát trùng, điều dưỡng lần lượt đưa 2 cây kim có gắn 2 ống dây dẫn trong suốt vào mạch máu trên cánh tay trái của chị M. Hai ống dây dẫn được kết nối với máy chạy thận nhân tạo. Máu của chị M. được bơm, vận chuyển đến bộ lọc máy chạy thận qua một ống dẫn. Sau khi lọc xong, máu được đưa trở lại cơ thể qua một ống dẫn khác.

Trong lúc điều dưỡng thực hiện các bước chuẩn bị cho buổi chạy thận, chị M. vừa ngồi xem chương trình giải trí trên tivi vừa nhâm nhi ly cà phê sữa đá - thức uống không thể thiếu của chị mỗi sáng.

Do chạy thận sáng sớm, chưa kịp ăn sáng, chị M. đặt suất ăn từ thực đơn của bệnh viện để ăn vào giữa buổi chạy thận. Theo điều dưỡng Lan Anh, các món ăn trong thực đơn được nấu theo khẩu phần dành riêng cho người chạy thận, sẽ được phục vụ khi chạy thận 2-3 tiếng hoặc khi người bệnh yêu cầu.

Sau khi điều dưỡng hoàn thành khâu chuẩn bị và khởi động máy chạy thận, chị M. bấm nút điều khiển đầu giường hạ thấp xuống để nằm thoải mái, dễ ngủ hơn. Chị chia sẻ chị coi 4 tiếng chạy thận là thời gian để cơ thể nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, giảm căng thẳng từ công việc. Sau buổi chạy thận, chị dành trọn thời gian còn lại cho công việc, chăm sóc gia đình, gặp gỡ bạn bè… với thể trạng sức khỏe, năng lượng tốt hơn.

Chị M. cho biết hiện ngoài việc sắp xếp thời gian cố định cho 3 buổi chạy thận mỗi tuần, cuộc sống của chị không thay đổi nhiều so với trước khi phát hiện bệnh. "Kể cả nếu không được ghép thận, phải chạy thận cả đời, tôi vẫn thấy may mắn vì bệnh thận vẫn còn biện pháp can thiệp", chị M. chia sẻ.

Nhìn sắc mặt tươi tắn của chị, ít ai nghĩ chị đã chạy thận nhân tạo 2 năm nay. BS.CKII Nguyễn Thị Thanh Thùy, khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, nhận định: "Chị M. luôn tràn đầy năng lượng, vui vẻ, lạc quan và tuân thủ điều trị nên các chỉ số sức khỏe của chị hiện rất ổn định".

Chị M. cho biết phát hiện mắc suy thận mạn 4 năm trước do huyết áp cao bất thường, có lúc chạm mức 200. Sau 2 năm điều trị bảo tồn chức năng thận, chị chuyển sang chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống, chờ đến ngày được ghép thận. 8 tháng đầu chạy thận, cơ thể mệt mỏi, đau nhức, ngứa ngáy, ăn không ngon khiến chị không thể làm việc, kể cả những việc nội trợ thường làm. Hoang mang không biết sống được bao lâu cộng thêm cảm giác bản thân là gánh nặng của gia đình khiến tinh thần chị suy sụp.

Được người nhà, bạn bè, đồng nghiệp động viên và làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, sức khỏe thể chất và tinh thần chị dần phục hồi. "Bạn bè gặp tôi đều không tin tôi đang phải chạy thận", chị M. chia sẻ.

Ở một giường khác, bà B.P.Q. (63 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) trò chuyện vui vẻ với nam điều dưỡng đang theo dõi và ghi nhận thông số trên máy chạy thận nhân tạo tại giường của bà. Đây là công việc được thực hiện mỗi 30 phút. Trên chiếc bàn nhỏ cuối giường của bà có đặt một cà mèn cơm do bà Q. tự tay nấu. Bữa ăn hôm nay của bà có cá diêu hồng bỏ da hấp và bông cải xanh luộc nhừ được chế biến theo hướng dẫn của bác sĩ. "Bệnh viện có phục vụ bữa ăn nhưng tôi thích tự tay nấu mang đi", bà Q. chia sẻ.

Bác sĩ Thùy cho biết khoa Nội thận - Lọc máu phối hợp chặt chẽ với khoa Dinh dưỡng - Tiết chế của bệnh viện để xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với thể trạng sức khỏe của từng người bệnh.

Bà Q. cho biết bà mắc suy thận mạn giai đoạn cuối sau nhiều năm cao huyết áp, đến nay đã chạy thận gần 10 năm. Bà từng chạy thận ở nhiều bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh, cuối cùng bà chọn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh để chạy thận lâu dài vì máy móc ngoại nhập hiện đại; bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc chu đáo, tận tình; phòng ốc rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ cho bà cảm giác thoải mái như ở nhà.

Để tiện đưa đón, chăm sóc mẹ chạy thận, con trai cả đón bà về ở chung. Vốn tính "luôn chân luôn tay" nên lúc không đến bệnh viện chạy thận, bà dành thời gian quán xuyến mọi việc nội trợ trong nhà: đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ, phơi quần áo, chăm sóc cây hoa,… Bà làm vừa sức, thấy khỏe thì làm, mệt thì nghỉ. "Nhờ chạy thận, tôi sống vui vẻ, đủ sức khỏe để chăm sóc cho con cháu", bà Q. chia sẻ.

Chạy thận để cải thiện chất lượng sống - Ảnh 1.

Bác sĩ, điều dưỡng túc trực tại phòng lọc máu, khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thắng Vũ

Chạy thận nhân tạo được ưu tiên

Hội Thận học Thế giới ước tính khoảng 850 triệu người đang có bệnh mạn tính ở thận; trong đó, 5,3-10,5 triệu người cần điều trị thay thế thận. Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức, song ước tính có khoảng 10 triệu người bệnh thận mạn tính, 8.000 ca mắc mới mỗi năm.

Riêng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ Thùy cho biết khoa Nội thận - Lọc máu đang chạy thận nhân tạo cho 38 người bệnh suy thận giai đoạn cuối.

Bác sĩ Thùy chia sẻ, thận đóng vai trò như "nhà máy lọc chất thải" của cơ thể con người. Ở người bệnh suy thận mạn (suy thận giai đoạn cuối), chức năng thận gần như mất hoàn toàn. Độ lọc cầu thận (chỉ số nhằm đánh giá khả năng lọc máu của thận) rất thấp, dưới 15 ml/phút/1,73 m2 da (người khỏe mạnh trên 90 ml/phút/1,73 m2). Khi đó, người bệnh cần được điều trị bằng các biện pháp thay thế thận như ghép thận hoặc lọc máu.

Ghép thận là giải pháp tối ưu, giúp người bệnh gần như phục hồi sức khỏe, quay trở về cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể được ghép thận do nguồn cho thận khan hiếm (theo số liệu ngày 26/2/2024, tại Cổng thông tin điện tử - Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cả nước có 4.858 người đang chờ được ghép thận và con số này không ngừng tăng lên từng ngày), chi phí lớn, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải có chứng chỉ và tay nghề rất cao; tiềm ẩn nguy cơ thải ghép sau phẫu thuật, người bệnh phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời.

Lọc máu (gồm chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng) tuy không giúp chữa khỏi bệnh nhưng có thể giúp người bệnh suy thận mạn duy trì sức khỏe cho đến khi được ghép thận hoặc cả đời.

Trên thế giới, chạy thận nhân tạo là phương pháp thay thế chức năng lọc máu của thận phổ biến nhất trên thế giới, chiếm khoảng 69% tổng số liệu pháp thay thế thận và 89% tổng số liệu pháp lọc máu. Tương tự tại Việt Nam, Hội Lọc máu Việt Nam cho biết người bệnh suy thận mạn chạy thận nhân tạo chiếm 74,4%, lọc màng bụng chiếm 1,9%, ghép thận chiếm 23,7%.

Chạy thận nhân tạo sử dụng máy chuyên dụng hút và vận chuyển máu đi qua một ống dẫn đến bộ lọc để giữ lại những chất cần thiết trong máu (tế bào máu, đạm…); loại bỏ các chất thải (urê, creatinine, kali, chất lỏng dư thừa…) rồi đưa trở lại cơ thể qua một ống dẫn khác. Dù vậy, một số độc tố có trọng lượng phân tử trung bình hoặc cao có thể bị bỏ sót.

Bác sĩ Thùy cho biết đơn vị được trang bị máy chạy thận nhân tạo ứng dụng kỹ thuật thẩm tách máu HDF online sử dụng bộ lọc cải tiến, giúp lọc hiệu quả hơn. Ngoài ra, nhờ công nghệ xử lý nước RO (thẩm thấu ngược) được kỹ thuật viên theo dõi hàng ngày, đảm bảo cung cấp nguồn nước siêu tinh khiết cho máy chạy thận. Nhờ đó giúp người bệnh kiểm soát tốt huyết áp; giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, thiếu máu, mắc bệnh về xương, viêm nhiễm; giảm một số triệu chứng khi chạy thận như: ngứa ngáy, buồn nôn và nôn, sạm da, mất ngủ, nhức đầu, chuột rút. Từ đó, giúp người bệnh cải thiện chất lượng sống.

Trong khi đó, lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) sử dụng chính màng bụng trong cơ thể làm màng lọc thay thế chức năng thận. Để lọc màng bụng, trước tiên người bệnh cần được phẫu thuật đặt ống thông (catheter) vào khoang bụng. Lọc màng bụng có thể thực hiện bằng tay hoặc bằng máy tại nhà nhưng cần được bác sĩ hướng dẫn đến khi thành thạo. Có thể chuyển đổi giữa hai phương pháp lọc máu nhưng người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bác sĩ Thùy khuyến cáo người bệnh cần tuân thủ đầy đủ các chỉ định của bác sĩ: chạy thận đúng và đủ theo lịch; ăn uống phù hợp theo chế độ dinh dưỡng của người suy thận; uống thuốc đúng liều và đúng giờ; không tự ý đổi thuốc; nếu dùng thuốc khác cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Người bệnh cần đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu bất thường trong cơ thể.

Post Thanh niên

Nhằm mang đến những thông tin chính thống, hữu ích về các phương pháp lọc máu cho người bệnh suy thận giai đoạn cuối, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề "Suy thận: lọc màng bụng hay chạy thận nhân tạo".

Trong chương trình "Suy thận: Lọc màng bụng hay chạy thận nhân tạo" diễn ra lúc 20 giờ, Thứ Năm ngày 29/2/2024, tất cả thắc mắc, câu hỏi, băn khoăn bệnh suy thận, chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng sẽ được các bác sĩ khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, giải đáp chi tiết và hoàn toàn miễn phí.

Các bác sĩ, chuyên gia tham gia chương trình tư vấn trực tiếp lần này gồm có:

Thầy thuốc ưu tú bác sĩ chuyên khoa II Tạ Phương Dung, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.

Bác sĩ chuyên khoa II Đinh Cẩm Tú, Trưởng đơn vị Thận nhân tạo, khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thanh Thùy, khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước