Chiêu trò câu view trên mạng và hậu quả của việc buông lỏng trẻ sử dụng Internet

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 07/11/2020 20:55 GMT+7

VTV.vn - Tràn ngập nội dung bạo lực, nguy hiểm, ngôn từ tục bậy, đáng báo động nhưng những mạng xã hội YouTube, Tiktok lại rất thu hút các em nhỏ.

Kể từ khi giang hồ mạng Ngô Bá Khá (tức Khá Bảnh) bị bắt hay Dương Minh Tuyền bị xóa kênh YouTube, hồi chuông cảnh báo về những clip xấu độc trên mạng xã hội được gióng lên mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Nhưng loại rác thông tin này vẫn còn đầy rẫy, thậm chí có nhiều cách làm hấp dẫn hơn thu hút hàng triệu lượt người xem. Vì nguồn thu quảng cáo khổng lồ, các chủ kênh bất chấp mọi chiêu trò câu view, còn người xem bị đầu độc tình cảm, nhận thức một cách tinh vi phía sau những nội dung tưởng chừng chỉ để giải trí.

Hướng dẫn đóng đinh vào điện thoại - clip có hơn 5 triệu lượt xem; Nhảy xuống đập nước đang chảy xiết - hơn 6 triệu lượt xem… Những trò tiêu khiển vô bổ, nguy hiểm như vậy làm mưa làm gió trên YouTube nhiều năm qua. Thậm chí còn có trào lưu Thử làm chó trong 24 giờ.

Chiêu trò câu view trên mạng và hậu quả của việc buông lỏng trẻ sử dụng Internet - Ảnh 1.

Những kênh YouTube độc hại hay những clip nhảm vẫn xuất hiện trên mạng xã hội

Còn một thủ đoạn câu view khác, đó là các clip cắt ghép hình ảnh, giật tít bôi nhọ danh dự, bịa ra bệnh tật, thậm chí cả cái chết của những người nổi tiếng. Đáng nói là loại clip này được YouTube xếp vào thể loại tin tức, dễ dàng lọt qua khâu kiểm duyệt nên ngày càng bùng nổ. Trong khi đó, những YouTuber làm nội dung sạch bỏ ra rất nhiều chi phí, công sức để làm sản phẩm chất lượng lại chịu thua thiệt cả về doanh thu và khán giả.

Ngay cả với nội dung YouTube cực lực lên án là Bạo lực, vẫn có thể thấy mạng xã hội này đang thả nổi hàng loạt kênh của các giang hồ mạng, ngang nhiên bật quảng cáo kiếm tiền. Những clip độc hại với người xem nhưng góp tới một nửa tiền quảng cáo trên YouTube tại Việt Nam, tương đương hàng nghìn tỷ đồng.

Có thể thấy đủ các chiêu trò với mục đích câu view, bởi lượng người xem càng nhiều càng kiếm được nhiều tiền. Theo các chuyên gia, đối tượng được nhắm tới thường là trẻ em từ 8 đến 16, lứa tuổi tò mò và chưa trưởng thành về nhận thức. Đáng nói, không chỉ một vài clip phản cảm, nhảm nhí vô bổ, những nội dung như hướng dẫn chơi ma túy, các trò chơi mạo hiểm, thậm chí tự sát đang tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường với trẻ nhỏ, nếu các ông bố bà mẹ không dành thời gian quan tâm.

Mới đây, bé gái 9 tuổi ở Phú Thọ học theo clip trên YouTube, nuốt bấm móng tay vào bụng. Rất may bé đã được đưa đến bệnh viện kịp thời. Năm ngoái, 1 bé trai 8 tuổi tại TP.HCM may mắn được cứu sống sau khi học theo một clip thực nghiệm ảo thuật treo cổ mà vẫn thở được. Hay 4 em nhỏ ở Tuyên Quang học theo clip nướng cóc ăn, phải nhập viện vì ngộ độc nặng. Đau lòng nhất là bé gái 5 tuổi học clip thắt cổ, đã không qua khỏi dù được Bệnh viện Nhi Đồng 1 hết lòng cứu chữa.

Theo khảo sát của Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, 66,1% trẻ em có thể tiếp cận Internet; trong đó, 43,4% sử dụng trung bình 1-3 tiếng/ngay. Nếu không được quản lý, hướng dẫn, nhiều thứ các em nói theo, làm theo đến chính từ những nội dung xấu độc đầy rẫy trên không gian mạng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước