Chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số: Không bỏ lại một ai nhưng phải đầu tư có trọng điểm

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 06/06/2023 16:54 GMT+7

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn

VTV.vn - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, con số 2,1 triệu người ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn không còn được hưởng chính sách là vấn đề rất lớn.

Bất cập khi 1.800 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn

Tại phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực dân tộc chiều 6/6, đại biểu Dương Tấn Quân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết những khó khăn vướng mắc liên quan đến chính sách phân định xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi; đánh giá tác động của Quyết định 461 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II và I thuộc đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi, nhất là việc hơn 2 triệu người dân không còn là đối tượng được Nhà nước mua BHXH, BHYT.

Chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số: Không bỏ lại một ai nhưng phải đầu tư có trọng điểm - Ảnh 1.

Đại biểu Dương Tấn Quân

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là thực hiện theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị năm 1996 phân định theo miền núi và vùng cao. Giai đoạn 2 từ năm 1996 trở đi, thực hiện phân định theo trình độ phát triển nhằm mục đích xác định các thôn, xã đặc biệt khó khăn để làm địa bàn tập trung, trọng tâm trọng điểm để đầu tư.

Nghị quyết 120 của Quốc hội đã giao Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể để xác định địa bàn trọng tâm, trọng điểm, trên tinh thần đó, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 33 để xác định tiêu chí phân định theo 3 khu vực theo trình độ phát triển. Trên cơ sở tiêu chí được ban hành, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ ban hành Quyết định số 861, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc được Thủ tướng ủy quyền ban hành Quyết định số 612 phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn.

Chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số: Không bỏ lại một ai nhưng phải đầu tư có trọng điểm - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Quá trình phân định dựa trên một số tiêu chí: những xã, thôn có 15% dân số trở lên là người dân tộc thiểu số thì xác định là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xã có tỷ lệ hộ nghèo 15% trở lên thì là xã nghèo. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, với những xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% thì không còn là xã nghèo nữa nên đây là vấn đề bất cập.

Sau khi có quyết định phê duyệt các xã đặc biệt khó khăn của Thủ tướng, hơn 1.800 xã thoát khỏi diện hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn và không được hưởng các chính sách đang đầu tư của giai đoạn 2016-2020, theo đó tác động, ảnh hưởng tới 12 chính sách.

"1.800 xã này có 2,1 triệu người giai đoạn 2016-2021 vẫn còn nằm trong vùng đặc biệt khó khăn nhưng đã bị ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn và không tiếp tục được nhà nước hỗ trợ chính sách bảo hiểm. Đây là vấn đề rất lớn" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết.

Ủy ban Dân tộc đã báo cáo Chính phủ và giao Bộ Y tế sửa Nghị định 146; Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bảo hiểm xã hội và các cơ quan đang sửa nghị định này, trong đó bổ sung các đối tượng không thuộc diện đặc biệt khó khăn những vẫn là dân tộc thiểu số khó khăn để hưởng chính sách. Còn 11 chính sách liên quan về giáo dục, y tế, nông nghiệp, lao động, việc làm cũng đang được tiếp tục sửa và trình Chính phủ tới đây.

Không bỏ lại một ai nhưng phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm rõ những vướng mắc trong thời gian qua liên quan đến đối tượng thụ hưởng các chính sách.

"Việc thực hiện các chính sách thụ hưởng đối với dân tộc thiểu số, miền núi theo đối tượng hay theo địa bàn, hay cả hai, trên cơ sở đối tượng cộng thêm địa bàn. Nếu phân loại như 12 chính sách, có khoảng 2 triệu người không được hỗ trợ chính sách bảo hiểm xã hội nữa thì cần phải làm rõ. Hiện nay, Hội đồng dân tộc của Quốc hội cũng đang bàn vấn đề này, đề nghị đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng quan tâm" – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số: Không bỏ lại một ai nhưng phải đầu tư có trọng điểm - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu về 12 chính sách mà bị tác động ảnh hưởng sau Quyết định 861, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, các chính sách này gồm chính sách bảo hiểm y tế cho người dân, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hỗ trợ cho học sinh – sinh viên, các chính sách thu hút nhà giáo đến vùng đặc biệt khó khăn, chính sách với hộ sản xuất kinh doanh…

"Các chính sách đều ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng con người, không phải là địa bàn. Các Bộ, ngành đã được giao nhiệm vụ cụ thể sẽ điều chỉnh, sửa đổi phù hợp với các chính sách này" – ông Hầu A Lềnh nêu rõ.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (tỉnh Quảng Nam) sau đó cũng phản ánh việc áp dụng chính sách cho khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn có nhiều bất cập, có sự chênh lệch trong chính sách, ví dụ như y tế... dẫn tới tác động không tốt đối với một số nhóm đối tượng, trong đó có trẻ em. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ trách nhiệm và các giải pháp để giải quyết tình trạng này.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, đúng là có tình trạng này và hiện nay chúng ta đang tập trung vào những vùng, những xã khó khăn nhất. Đối với cộng đồng dân cư thì tập trung vào nhóm dân tộc khó khăn nhất vùng.

Đối với những vùng bớt khó khăn, các địa phương sẽ có giải pháp, chính sách cho giai đoạn này.

"Tôi tin rằng khi 12 nhóm chính sách trực tiếp tác động được giải quyết thì các đối tượng cũng sẽ thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách" - ông Hầu A Lềnh khẳng định.

Trong giai đoạn sau cũng sẽ có các giải pháp phù hợp, mang tính tổng quan, có trọng tâm, trọng điểm và phân kỳ theo từng giai đoạn.

"Chúng ta không thể làm một lúc tất cả nhưng cũng không bỏ lại một ai cả, nhưng phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm phụ thuộc vào nguồn lực, khả năng trong từng giai đoạn. Trách nhiệm của chúng tôi là rà soát, đánh giá, đề xuất lên các cấp có thẩm quyền để sửa đổi bổ sung các chính sách, khắc phục những bất cập" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nêu rõ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước