Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: VPG).
Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Hơi nhỏ khi áp dụng thí điểm cho Buôn Ma Thuột?
Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) bày tỏ sự thống nhất với dự thảo nghị quyết. Theo ông, trước đó, Bộ Chính trị đã có kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đại biểu cho biết, đây là lần đầu tiên nghiên cứu thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị hành chính cấp quận/huyện. "Tôi cũng như các đại biểu băn khoăn quy mô áp dụng thí điểm của thành phố hơi nhỏ. Về sau không biết có thí điểm cấp xã hay không", đại biểu nói.
Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (đoàn An Giang)
Theo ông Sinh, Buôn Ma Thuột là thành phố đô thị lớn nhất của vùng Tây Nguyên. Đây cũng là trung tâm, kết nối tất cả vùng trọng điểm phát triển như Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Địa phương này cũng là thủ phủ cà phê của Việt Nam với diện tích gieo trồng và thu hoạch cao nhất cả nước. Về hạ tầng giao thông, thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí đặc địa, đang được triển khai dự án trọng điểm cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa…
Cùng quan điểm với ông Sinh, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng nên chăng mở rộng phạm vi thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho tỉnh Đắk Lắk. Như vậy, chính sách mới mới đủ mạnh, đủ sức để đưa địa phương trở thành trung tâm, dẫn dắt các tỉnh trong khu vực và kết nối vùng Tây Nguyên. Trong khi đó, đây là địa bàn chiến lược quan trọng cả về kinh tế, quốc phòng và an ninh của đất nước.
Đề xuất thu hút chuyên gia, tài năng đặc biệt cho cả tỉnh Đắk Lắk
Góp ý thêm về dự thảo, đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) băn khoăn việc ưu đãi để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt về làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột. Đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc vấn đề này vì Buôn Ma Thuột cũng chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện.
Trong khi đó, với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt thì vấn đề tài chính, tiền bạc không phải mục tiêu hàng đầu. Với họ, mục tiêu chính là môi trường và điều kiện làm việc để phát huy hết khả năng của mình. Do vậy, nhóm này nên được triển khai rộng ở cả tỉnh Đắk Lắk sẽ tốt hơn.
"Chúng ta kéo một giáo sư về làm trưởng phòng ở thành phố Buôn Ma Thuột thì sẽ không xứng tầm và không thu hút được họ", ông Sinh cho hay.
Còn khiêm tốn?
Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng chính sách đặc thù đưa ra cho Buôn Ma Thuột còn quá khiêm tốn, cần có ưu đãi mạnh hơn để hút hút các nhà đầu tư, tăng giá trị hàng, nhất là nông sản.
Theo ông Ngân, cơ chế đưa ra cần tạo điều kiện cho phát triển nông sản chế biến, làm sao để người nông dân sản xuất hàng hóa nông sản không gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ hàng hoá, tránh cảnh được mùa mất giá. Muốn vậy phải có chính sách ưu đãi rất đặc thù.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh)
Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, các chính sách đang đề xuất nói là đặc thù, nhưng chỉ vừa tầm với các chính sách đặc thù đã quyết cho các địa phương khác. Còn những gì mang tính đột phá cho Buôn Ma Thuột thì chưa nhiều, chưa có những đột phá về văn hóa, đất đai...
Ông Hiển đề nghị nên có chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, phát huy thế mạnh, tiềm năng và lợi thế của Buôn Ma Thuột. Chẳng hạn, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, cần xác định thế mạnh của thành phố là gì, để có chính sách đột phá, không dàn trải.
Về chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, ông Hiển cho rằng nếu đặc thù chỉ có vậy thì chưa đủ hấp dẫn thu hút họ về làm việc tại Buôn Ma Thuột.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!