Chợ cóc, chợ tạm "bủa vây" nhiều khu phố Hà Nội

Thùy Dương, Tiến Tú-Thứ ba, ngày 12/03/2024 15:14 GMT+7

VTV.vn - Những khu chợ tạm, chợ cóc cứ thế ra đời, tạo ra sự lộn xộn, gây mất mỹ quan đô thị.

Ngõ 90 Hoa Bằng, 10-20.000 đồng/ngày là cái giá phải trả cho mỗi lượt ngồi tại đây. Dù không phải là chợ mà chỉ là khu vui chơi của trẻ nhưng toàn bộ khu vực này đều bị chợ cóc lấn chiếm.

Biết nhiều không quan trọng bằng biết điều. Nộp tiền thuê chỗ thì còn được kinh doanh. Tại nhiều nơi, tiểu thương lại chọn cách chẳng biết gì. Bất chấp biển cấm, nhiều người vẫn công khai làm ngược lại, ra vẻ mình chưa biết.

Thà rằng với những người mới đến, không biết thì không có lỗi. Nhưng ngay cả với người kinh doanh lâu năm thì họ cũng chọn cách đối đầu. Tại khu vực chợ đầu mối phía Nam, chưa cần vào chợ đã có chợ.

Sở dĩ phải bám trụ lấy vỉa hè, lấy lòng đường vì với thói quen tiện đâu mua đấy của người dân thì vào việc chợ buôn bán chưa hẳn đã là một cách hay. Thực tế khi cải tạo lại, một số khu chợ sầm uất của Hà Nội như chợ Hàng Da, chợ Mơ,… đều trở nên ế khách.

Hiện Hà Nội có nhiều khu chợ đã được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang nhưng lại chưa được đưa vào sử dụng hoặc đã đưa vào sử dụng nhưng lại chẳng ai mặn mà đi vào dẫn đến chợ mới hóa chợ cũ.

Chợ "mới" thành "cũ"

Có chợ nhưng không được vào, các tiểu thương thấp thỏm chờ đợi bởi họ phải dạt vào buôn bán tại khu chợ tạm lụp xụp nằm sát vách chợ mới. Hơn 6 năm qua, chợ Phú Đô vẫn "cửa đóng, then cài" mặc cho cơ sở hạ tầng xuống cấp…

Chờ thì vẫn cứ chờ nhưng chẳng biết đến bao giờ, nơi cần chợ thì không có, nơi có thì lại không cần. Tấm biển chỉ dẫn vào chợ Lĩnh Nam bị dán đè bởi dịch vụ khác. Thay vì là nơi họp chợ thì bỗng chốc lại thành nhà kho, sân tập thể thao và bãi rửa xe bất đắc dĩ… Thậm chí, bãi rác tự phát mọc ngay trước cổng chợ.

Khoảng 6 năm trước, chợ Lĩnh Nam được đưa vào sử dụng nhưng đến nay vẫn "vườn không nhà trống". Bởi chỉ sau 2 tháng hoạt động, toàn bộ tiểu thương đã hoàn trả mặt bằng.

Vậy bán ở đâu sẽ có người mua? Cách chợ Lĩnh Nam chưa đầy 300m, một số tiểu thương lấn chiếm toàn bộ khu vực vỉa hè để buôn bán. Họ đều từ chối họp trong chợ mới.

Chưa nói đến việc người muốn ra, kẻ muốn vào vì những lý do khách quan nhưng việc những khu chợ tiền tỉ này bị bỏ hoang không chỉ gây lãng phí mà còn là làm nhếch nhác đô thị.

Đó là những nguyên nhân cho những khu chợ tạm, chợ cóc cứ thế ra đời, tạo ra sự lộn xộn, gây mất mỹ quan đô thị. Trong khi những khu chợ chính mất chi phí đầu tư thì lại không có ai ra vào, quả thực là sự lãng phí vô cùng lớn.

Quy hoạch chợ còn nhiều bất cập

Thiếu cơ sở pháp lý và quy hoạch rõ ràng, nhiều khu chợ trên địa bàn TP Hà Nội đang bộc lộ hàng loạt vướng mắc, thậm chí có những khu chợ có nguy cơ bị giải thể vì vướng quy hoạch phát triển đô thị. Hiện nay, trong tổng số 578 xã, phường, thị trấn thì chỉ có hơn 50% đã có chợ.

Giữa trung tâm Thủ đô nhưng gần 20 năm nay, người dân tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình vẫn chịu cảnh không có chợ trên địa bàn. Do chưa có quỹ đất nên khu vực này vẫn chưa xây dựng được chợ. Nếu người dân muốn đi chợ thì đi phải sang phường khác. Ước tính, vị trí xa nhất từ phường Liễu Giai đến những khu chợ lân cận ở phường giáp ranh thì người dân tại đây sẽ phải đi khoảng 4km. Dù hiện nay các cửa hàng tiện lợi mọc lên nhiều hay địa bàn các phường san sát nhau nhưng việc không có chợ cũng gây bất tiện trong nhu cầu sinh hoạt và đi lại của cư dân trên địa bàn.

"Chợ trên trời" - Khi chung cư biến thành nơi kinh doanh

Châm cứu, spa, bán hàng... cần là có, đủ mọi dịch vụ được quảng cáo tràn lan ở nhiều khu chung cư. Phục vụ nhu cầu cư dân từ A đến Z. Từ hoạt động công khai đến âm thầm lặng lẽ. Nhưng đôi khi có những loại hình chẳng giấu được sự ồn ào. Không biển hiệu, một nhà trẻ được mọc lên ngay giữa các căn hộ của khu chung cư.

Chỉ trong 1 mặt sàn khoảng 20 căn hộ thì có đến 1/3 trong đó, chủ nhà sử dụng vào mục đích kinh doanh. Nên dĩ nhiên họ chấp nhận bỏ qua cho nhau bởi vì lợi ích chung.

Và cứ thế, ngày càng nhiều người lựa chọn kinh doanh trong chính ngôi nhà của mình. Không phải bỏ ra chi phí quá lớn để thuê mặt bằng nhưng chốt đơn thì lại liên tục.

Rõ ràng những hệ lụy này ai cũng biết nhưng bởi nhu cầu mua sắm cao nên việc kinh doanh trong các loại hình nhà ở vẫn cứ thế tiếp diễn. Nhất là khi có những khu chung cư, mật động dân số lên tới hàng chục vạn người. Với một số người, thiệt thì chưa thấy, chỉ thấy lời.

Đâu đâu giờ cũng thành chợ, từ mặt đất cho đến cả trên trời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước