Trẻ được tiêm các loại vaccine đầu đời tại VNVC ngay sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: Mộc Thảo
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, Tết Nguyên đán là thời điểm các gia đình bận rộn với dọn nhà, bày cỗ, di chuyển về quê... Sự bận rộn của những ngày Tết cũng khiến nhiều phụ huynh quên lịch tiêm chủng của con hoặc dời lại lịch tiêm chủng của chính mình. Điều này có thể khiến "khoảng trống miễn dịch" xảy ra và tạo kẻ hở cho các tác nhân gây bệnh tấn công, nhất là trẻ em trong năm đầu đời, người lớn, người có bệnh lý nền.
Theo bác sĩ Chính, sau kỳ nghỉ Tết, các hoạt động giao thương tấp nập trở lại, nhiều lễ hội diễn ra, mọi người di chuyển từ vùng này qua vùng khác để làm việc, học tập, có thể mang theo các mầm bệnh và khiến vi khuẩn lây lan. Bên cạnh đó, tình hình biến đổi về thời tiết, lạnh ẩm sau Tết là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn phát triển mạnh mẽ, trong đó có não mô cầu khuẩn.
Viêm màng não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính màng bao bọc não và tủy sống, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra. Bệnh nằm trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao tại Việt Nam.
Hiện có 12 tuýp vi khuẩn gây bệnh được phát hiện, trong đó có 6 tuýp thường gây các vụ dịch là A, B, C, W, X và Y. Trong đó, tuýp B là tác nhân phổ biến gây viêm màng não mô cầu ở Việt Nam. Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc viêm màng não mô cầu, đặc biệt trẻ nhũ nhi (nguy cơ cao nhất là trẻ 5-10 tháng tuổi), trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên 14-20 tuổi, người lớn, người bị suy giảm miễn dịch.
Mỗi năm, cả nước ghi nhận khoảng 50 đến 100 ca viêm màng não do não mô cầu. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao trong vòng 24 giờ đến 50% khi không điều trị kịp thời. Trường hợp được đưa tới cơ sở y tế sớm, điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong vẫn lên đến 15%. Nếu may mắn sống sót, có đến 20% người bệnh chịu di chứng vĩnh viễn về thần kinh và vận động như điếc, cắt chi, tổn thương dây thần kinh sọ não, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần, động kinh...
Song, bệnh do não mô cầu có các biểu hiện khá mơ hồ, dễ nhầm lẫn với cúm, khó chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trẻ càng nhỏ, các dấu hiệu càng khó nhận diện.
Cụ thể, trong 8 giờ đầu tiên, bệnh nhân thường sốt, cáu gắt, buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, đau họng, sổ mũi. 8 giờ tiếp theo, trên ngực, khớp gối, khuỷu tay chân xuất hiện các xuất huyết. Người bệnh bắt đầu có biểu hiện liên quan đến não như cứng cổ, sợ ánh sáng, nôn nhiều. 8 giờ cuối được xem là đã muộn khi người bệnh hôn mê hoặc mê sảng, co giật, mất ý thức và tử vong.
Bác sĩ Chính cho biết việc phòng các bệnh viêm não mô cầu rất quan trọng để giảm thiểu tỷ lệ mắc. Trong đó, tiêm chủng vaccine là biện pháp đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả nhất. Hiện Việt Nam đang sử dụng nhiều loại vaccine não mô cầu phòng các tuýp não mô cầu khuẩn là A, B, C, Y, W-135. Tất cả các vaccine được chứng minh hiệu quả cao (trên 90%), an toàn, tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu khuẩn, ngăn chặn nguy cơ nhập viện, biến chứng nặng nề và tử vong do bệnh.
Chương trình tư vấn trực tuyến "Giới thiệu vaccine phòng viêm màng não mô cầu B & tiêm chủng trở lại sau Tết" diễn ra tối ngày 23/2.
Bên cạnh đó, sau kỳ nghỉ Tết, Bộ Y tế cảnh báo cần giám sát chặt chẽ các dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hơn nữa, một số loại vaccine chỉ có thể đạt hiệu quả miễn dịch ở độ tuổi nhất định như Rota, 6 trong 1… nếu bỏ lỡ lịch tiêm, trẻ sẽ không còn cơ hội được phòng bệnh tối ưu trong đời.
Do đó, ngay sau Tết là thời điểm lý tưởng để người dân, đặc biệt trẻ đầu đời, người lớn tuổi, người có bệnh nền tiến hành tiêm bù, tiêm đuổi các mũi vaccine đang trễ lịch và tiêm nhắc, tiêm bổ sung các loại vaccine quan trọng phòng bệnh mùa xuân như cúm, ho gà, bạch hầu, uốn ván, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, viêm não, viêm màng não, viêm phổi... Ngoài ra, chú trọng các vaccine phòng ngừa các bệnh lây qua đường tiêu hóa như viêm gan A, Rota, thương hàn, tả…
"Các vaccine này không chỉ dành riêng cho trẻ nhỏ mà còn bảo vệ cho cả người lớn, người cao tuổi trong gia đình. Tiêm chủng cho cả người lớn còn tạo "vỏ kén" bảo vệ con. Do vậy, ngay sau kỳ nghỉ Tết, phụ huynh cần cho trẻ và ông bà đi tiêm ngừa, xây dựng hàng rào miễn dịch vững chắc, tạo cơ hội sống khỏe mạnh, thành công và hạnh phúc", bác sĩ Chính nói.
Hiện Hệ thống tiêm chủng VNVC với 165 trung tâm trên toàn quốc mở cửa làm việc từ thứ hai đến chủ nhật, có đầy đủ vaccine cho trẻ em và người lớn, giá bình ổn và có nhiều chương trình ưu đãi. Tất cả vaccine tại trung tâm đều được nhập khẩu chính hãng và bảo quản trong hệ thống kho lạnh chuẩn quốc tế, dây chuyền lạnh (cold chain) khép kín, đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả khi tiêm chủng cho người dân. Đặc biệt, VNVC hỗ trợ nhắc lịch tiêm qua tin nhắn miễn phí, nhằm giúp người dân tiêm đúng, đủ lịch. Khách hàng cũng có thể tra cứu lịch sử tiêm chủng trên trang web của VNVC thông qua mã code được cung cấp khi tiêm.
Để các phụ huynh hiểu rõ hơn về vaccine phòng viêm màng não do não mô cầu tuýp B thế hệ mới và tiêm vaccine phòng bệnh sau Tết cho trẻ em và người lớn, 20h thứ Sáu, ngày 23/2, Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp Báo điện tử VTV tổ chức Tư vấn trực tuyến: "Giới thiệu vaccine phòng viêm màng não mô cầu B & tiêm chủng trở lại sau Tết" với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu:
1. BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP. Hồ Chí Minh
2. BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả có thể đặt câu hỏi cho các chuyên gia trong chương trình tại đây.
Chương trình được phát sóng trên: thanhnien.vn, vnvc.vn, tamanhhospital.vn, nutrihome.vn. Livestream trên ứng dụng VTVGo của Đài Truyền hình Việt Nam và các fanpage: Trung tâm Tin tức VTV24, VTV8 - Tin nóng miền Trung, THVL - Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long, VNVC - Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Nutrihome - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng, Báo Thanh Niên, Báo điện tử VnExpress.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!