Chuyên gia nói gì về đề xuất cho F0, F1 đi làm?

Minh Đức-Thứ hai, ngày 07/03/2022 13:52 GMT+7

VTV.vn - Theo các chuyên gia, hiện nay F0 vẫn nên cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác, đặc biệt là nhóm người yếu thế như trẻ em, người già, phụ nữ có thai...

Ngày 5/3, Bộ Y tế có đề xuất với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc cho F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly. Đề xuất kể trên đang thu hút sự quan tâm của dư luận và có nhiều ý kiến, tranh luận. Trong đó, có ý kiến cho rằng không để người F0 làm việc là vi phạm quyền lợi của họ vì người mắc COVID-19 hiện là người bệnh vẫn đang được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm.

PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, nếu người bệnh nhiễm COVID-19 (F0) không có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, đau rát họng…, thì có thể để họ được tự nguyện làm việc với hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, đó phải là điều tự nguyện và trong suốt thời gian làm việc phải luôn theo dõi sức khỏe của mình.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, các F0, F1 đi làm nhưng phải thực hiện 5K tối đa, để kiểm soát sự lây nhiễm, giảm sự lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu có triệu chứng cần xét nghiệm ngay và cần có những biện pháp điều trị, cách li phù hợp.

Để có thể coi COVID-19 như là một bệnh lưu hành (cúm, sốt xuất huyết) thì phải có những tiêu chí nhất định: Số ca mắc và tử vong ổn định hàng năm; Khả năng đáp ứng của hệ thống y tế... Hiện nay, số ca bệnh COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang tăng.

Bên cạnh đó, khi F0 dương tính với COVID-19 mà không có triệu vẫn có thể lây nhiễm cho người khác.

Chuyên gia nói gì về đề xuất cho F0, F1 đi làm? - Ảnh 1.

F0 dù không có triệu chứng những vẫn có thể lây nhiễm cho người khác.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam lại cho rằng, COVID-19 vẫn là bệnh đặc biệt, bệnh mới nổi và có dịch, tác hại lớn và có thể lây lan. Cho đến hiện nay, độ phủ vaccine tại Việt Nam đã rất cao (chỉ còn trẻ em chưa được tiêm) cho nên đã giúp giảm số ca chuyển nặng, tử vong dù số ca mắc cao trên 100.000 ca/ngày.

Đặc biệt, ở nhóm người yếu thế, nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc bệnh (phụ nữ có thai, người cao tuổi, người nhiều bệnh lý nền, nhóm bệnh nhân đang điều trị bệnh lý cấp tính tại bệnh viện)… Do vậy, việc không cách ly người bị nhiễm, lây lan bệnh cho nhóm người yếu thế sẽ làm tăng nguy cơ tử vong

Nhóm F0 có thể đi làm chỉ nên áp dụng với nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Hiện nay, dịch chưa lên tới đỉnh do số ca vẫn mắc vẫn đang tăng cao. Do vậy F0 vẫn cần cách ly đề phòng ngừa lây nhiễm cho người khác. Đối với các trường hợp F0 không triệu chứng có thể làm trực tuyến tại nhà.

Nếu F1 trong cùng một gia đình thì khả năng phơi nhiễm cao hơn nhiều so với các trường hợp F1 tiếp xúc thoáng qua. Khi trong gia đình có 1 F0, thì nguy cơ lây nhiễm cho những người khác có thể lên tới 70-80%.

Vì vậy, F1 vẫn phải phải theo dõi sức khỏe của mình. Đối với biến chủng Omicron, các triệu chứng rất cơ bản: chảy nước mũi, đau mỏi người, rát họng… Do vậy, F1 cần lưu ý khi có biểu hiện này cần phải xét nghiệm để biết mình có là F0 hay không, phòng nguy cơ lây cho người khác.

Ngày 5/3, Bộ Y tế đã có đề xuất với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 xem xét về việc cho người nhiễm SARS-CoV-2 (F0) và trường hợp tiếp xúc gần (F1) được đi làm trong thời gian cách ly.

Người nhiễm SARS-CoV-2 (F0) không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (7 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính), nếu tự nguyện tham gia làm việc:

Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh COVID-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K.

Đối với những người được bố trí thực hiện các công việc tại các cơ sở điều trị bệnh COVID-19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ theo quy định, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2; không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).

Được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

Những người có tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 (F1) nhưng chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 tham gia làm việc cần đảm bảo các yêu cầu sau:

Được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

Thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hoặc phát hiện kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày thứ 5 kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe nêu trên để phát hiện sớm và triển khai các biện pháp xử lý y tế đối với trường hợp mắc COVID-19 theo quy định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước