Đến 20h ngày 20/2, tất cả các lực lượng phải tạm dừng chữa cháy rừng tại thị xã Sa Pa, Lào Cai để đảm bảo an toàn do trời quá tối, chỉ có các tổ chuyên môn của kiểm lâm và quân đội túc trực để xử lý các tình huống phát sinh.
Lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường, nỗ lực dập lửa. (Ảnh: TTXVN)
Gần 900 người đã được huy động lên các điểm cháy rừng tại xã Tả Van, trong đó có hơn 700 người tham gia chữa cháy trực tiếp trong ngày 20/2.
Theo thống kê sơ bộ, hơn 25 ha đồi cỏ và rừng trồng thuộc khu vực thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, thị xã Sa Pa đã bị thiệt hại.
Lực lượng chức năng hiện cơ bản đã khống chế được các điểm cháy, không để lan vào rừng tự nhiên, rừng già trong lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Một điểm cháy trên Vườn Quốc gia Hoàng Liên được lực lượng chức năng khống chế, dập tắt trong ngày 20/2. (Ảnh: TTXVN)
Hiện gió Ô Quý Hồ - đới gió phơn khô nóng vẫn thổi khá mạnh, cấp 2 đến cấp 3 ở phía Tây Bắc Bộ và sẽ còn duy trì ít nhất hết ngày mai (22/2). Vì vậy vẫn có nguy cơ bùng phát các đám cháy, người dân cần tuyệt đối không sử dụng lửa trong và gần rừng.
Nhiều khu vực có cảnh báo cháy rừng
Hai ngày qua, trong điều kiện thời tiết khô nóng, các vụ cháy rừng đã liên tiếp xảy ra ở Lào Cai, Sơn La, Tiền Giang. Cảnh báo trong những ngày tới, nhiều diện tích rừng tiếp tục có nguy cơ cháy cao.
Đối với phía Tây Bắc Bộ, hôm nay (21/2) và ngày mai (22/2), hầu hết các cánh rừng thuộc Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Lào Cai trong vùng cảnh báo cháy cấp 4 - cấp nguy hiểm.
Ở phía Nam, Tây Nguyên, Nam Bộ , Nam Trung Bộ đang trong cao điểm mùa khô, các diện tích rừng ở U Minh Thượng của Kiên Giang, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú của An Giang và Ninh Thuận, Bình Thuận đã lên mức cảnh báo cháy cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!