Có bắt buộc phải tích hợp GPLX, BHYT, giấy khai sinh vào thẻ căn cước mới không?

PV-Thứ ba, ngày 25/06/2024 13:49 GMT+7

Mẫu thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam dưới 6 tuổi từ ngày 1.7.2024. Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công an

VTV.vn - Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Ngày 27/11/2023, Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước thay thế cho Luật Căn cước công dân 2014.

Luật Căn cước chính thức có hiệu lực kể từ 01/7/2024. Theo đó, thẻ Căn cước công dân cũng sẽ được gọi với tên mới là thẻ Căn cước.

1. Từ ngày 01/7/2024, Căn cước sẽ được tích hợp thẻ BHYT, giấy phép lái xe, giấy khai sinh

Theo Điều 22 Luật Căn cước 2023 quy định về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp như sau:

- Tích hợp thông tin vào thẻ căn cước là việc bổ sung vào bộ phận lưu trữ của thẻ căn cước những thông tin ngoài thông tin về căn cước và được mã hóa. Thông tin được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

- Thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.

- Việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

- Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

- Việc khai thác thông tin tích hợp được mã hóa trong thẻ căn cước được quy định như sau:

+ Sử dụng thiết bị chuyên dụng để khai thác thông tin tích hợp trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước;

+ Sử dụng thông tin trên thẻ căn cước qua thiết bị chuyên dụng để truy xuất, khai thác thông tin tích hợp qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống định danh và xác thực điện tử;

+ Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin tích hợp được mã hóa trong thẻ căn cước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao;

+ Tổ chức và cá nhân khai thác thông tin tích hợp được mã hóa trong thẻ căn cước của công dân khi được sự đồng ý của công dân đó.

Như vậy, công dân có thể tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.

Theo đó, việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

2. Giá trị sử dụng của thẻ căn cước

- Thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.

- Thẻ căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.

- Thẻ căn cước hoặc số định danh cá nhân được sử dụng để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người được cấp thẻ căn cước phải xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người được cấp thẻ xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được in, tích hợp vào thẻ căn cước; trường hợp thông tin đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, người được cấp thẻ phải cung cấp giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh các thông tin đã thay đổi.

- Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được cấp thẻ căn cước theo quy định của pháp luật.

(Điều 20 Luật Căn cước 2023)

. Thủ tục cấp thẻ căn cước từ ngày 01/7/2024

Thủ tục cấp thẻ căn cước theo Điều 23 Luật Căn cước 2023 như sau:

- Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên được thực hiện như sau:

+ Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ căn cước từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp thẻ căn cước; trường hợp chưa có thông tin của người cần cấp thẻ căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 10 Luật Căn cước 2023;

+ Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước;

+ Người cần cấp thẻ căn cước kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước;

+ Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước;

+ Trả thẻ căn cước theo địa điểm ghi trong giấy hẹn; trường hợp người cần cấp thẻ căn cước có yêu cầu trả thẻ căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

- Người dưới 14 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi được đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ căn cước. Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi được thực hiện như sau:

+ Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Trường hợp người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi;

+ Người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước 2023.

Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.

- Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có người đại diện hợp pháp hỗ trợ làm thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước 2023.

- Trường hợp từ chối cấp thẻ căn cước thì cơ quan quản lý căn cước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước