Theo phóng viên VTV có mặt tại hiện trường, mới chỉ thông đường đến thủy điện Rào Trăng 4, còn khoảng 4km mới đến điếm cuối là thủy điện Rào Trăng 3. Việc mở đường vào khu vực này vẫn đang được thực hiện liên tục kể cả trong đêm.
Thông tin từ cuộc họp sáng 16/10 tại Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, khu vực sạt lở tại thuỷ điện Rào Trăng 3 còn lớn hơn nhiều lần so với nơi vùi lấp 13 cán bộ cứu hộ, cứu nạn thiệt mạng. Chỉ có cách đưa máy móc từ bên ngoài vào bằng đường bộ, do đó, việc mở đường vào đang được thực hiện nhanh chóng, tận dụng tối đa thời gian khi thời tiết còn tốt.
Trong khi đó, công tác tiếp cận khu vực Rào Trăng 3 đang gặp rất nhiều khó khăn do nhiều tuyến đường bị sạt lở. Trời vẫn tiếp tục mưa làm cản trở quá trình tiếp cận hiện trường.
Cũng trong sáng nay, cuộc họp về các phương án gấp rút tìm kiếm 16 công nhân còn mất tích cũng đã được triển khai tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trên tuyến đường bộ, Phó Tổng tham mưu trưởng - Trung tướng Nguyễn Trọng Bình yêu cầu Bộ Tư lệnh Quân khu 4 triển khai lực lượng công binh tiếp tục mở đường từ khu vực Tiểu khu 67 thông tuyến vào khu vực Rào Trăng 3 đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả và an toàn tuyệt đối. Việc mở đường phải tận dụng từng giờ để tìm kiếm. Trong ngày 17/10 phải tiếp cận được hiện trường và phải tìm được các công nhân mất tích bằng mọi giá.
Khu vực được xác định có 16 người gặp nạn trong vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3
Lương thực, nhu yếu phẩm đã được đưa vào khu vực còn chia cắt. Những người của thủy điện cùng lực lượng cứu hộ vào thủy điện Rào Trăng 3 bằng đường thủy đang tận dụng máy móc của nhà máy thủy điện để tìm kiếm tại chỗ trong lúc chờ đưa máy móc, thiết bị cơ giới vào đến nơi.
Tăng cường lực lượng tìm kiếm 16 nạn nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 bằng đường thủy
Để tiếp cận được hiện trường, lực lượng chức năng phải đi đường thủy 10 km ngược dòng ở lòng hồ thủy điện Hương Điền (thị xã Hương Trà), sau đó tiếp tục đi đường bộ. Tuyến đường bộ bị sạt lở nghiêm trọng gây khó khăn cho công tác cứu nạn.
Cùng với tuyến đường bộ đang được khắc phục sạt lở, trên tuyến đường vào thủy điện Rào Trăng 3, lực lượng công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp cận được khu vực các nạn nhân bị mất liên lạc ở khu vực này. Với mũi cứu hộ bằng đường thủy, những nạn nhân đầu tiền được tìm thấy. Công tác cứu hộ tiếp tục triển khai trong ngày hôm nay.
Mặc dù tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, sạt lở đất, lũ lụt cộng với địa hình xa, cô lập, hiểm trở nhưng lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã nỗ lực tiếp cận được hiện trường khu vực thủy điện Rào Trăng 3. Bước đầu đã đưa được 24 công nhân, chuyên gia cùng 1 thi thể công nhân ở thủy điện Rào trăng 3 ra ngoài. Công tác tìm kiếm các nạn nhân còn lại đang được khẩn trương triển khai.
Công tác cứu hộ vẫn gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp
Trung úy Lê Văn Quảng - Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế - cho biết: "16 nạn nhân được xác định là mất tích vẫn chưa được tìm thấy do khối lượng đất đá rất nhiều. Chúng tôi phải sử dụng thiết bị bay không người lái để quay khảo sát địa hình thực tế để xin thêm chi viện".
Mưa lớn liên tục xảy ra đã gây ra không ít khó khăn cho công tác cứu hộ cứu nạn của các lực lượng chức năng. Trong ngày hôm nay (16/10), lực lượng công an tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường lực lượng, phương tiện với mục tiêu tìm kiếm cứu hộ các nạn nhân bị mất tích ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 trong thời gian sớm nhất trên tuyến đường thủy.
Trước đó, sau nhiều giờ tìm kiếm, tối 15/10, toàn bộ thi thể 13/13 cán bộ, chiến sĩ đoàn công tác gặp nạn trong vụ sạt lở ở trạm kiểm lâm 67, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đều đã được tìm thấy.
Đoàn công tác mất liên lạc lúc 0h00 ngày 13/10. Hiện trường cho thấy một khối lượng lớn đất đá sạt trượt từ trên cao xuống vị trí ngôi nhà mà các cán bộ, chiến sĩ đang nghỉ chân tại trạm kiểm lâm 67. Qua đo đạc, diện tích đất đá sạt trượt rộng đến 7,7 hécta, độ sâu vùi lấp chỗ thấp nhất 2 mét và chỗ cao nhất là hơn 3 mét. Không có phép màu nào xảy ra khi toàn bộ 13/13 người thuộc đoàn công tác đều đã thiệt mạng.
DANH SÁCH 13 CÁN BỘ ĐOÀN CÔNG TÁC HY SINH TRONG KHI LÀM NHIỆM VỤ TÌM KIẾM CỨU NẠN:
1. Đồng chí Thiếu tướng NGUYỄN VĂN MAN
- Chức vụ: Phó tư lệnh Quân khu 4
2. Đồng chí Đại tá NGUYỄN HỮU HÙNG
- Chức vụ: Phó cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn, Bộ Quốc phòng
3. Đồng chí Trung tá BÙI PHI CÔNG
- Chức vụ: Phó chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 4
4. Đồng chí Trung tá NGUYỄN TIẾN DŨNG
- Chức vụ: Phó trưởng Phòng Tác chiến Quân khu 4
5. Đồng chí Thượng tá HOÀNG MAI VUI
- Chức vụ: Phó trưởng Phòng xe máy - Cục Kỹ thuật Quân khu 4
6. Đồng chí Trung tá LÊ TẤT THẮNG
- Chức vụ: Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4
7. Đồng chí Trung tá TRẦN MINH HẢI
- Chức vụ: Phó tham mưu trưởng, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế
8. Đồng chí Đại úy TÔN THẤT BẢO PHÚC
- Chức vụ: Trưởng Ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế.
9. Đồng chí Đại úy NGUYỄN CẢNH CƯỜNG
- Chức vụ: Đại đội trưởng, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4
10. Đồng chí Thượng úy QNCN ĐINH VĂN TRUNG
- Chức vụ: Đài trưởng 15W, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4
11. Đồng chí Thượng úy QNCN TRƯƠNG ANH QUỐC
- Chức vụ: Nhân viên Điệp báo chiến dịch, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế.
12. Đồng chí NGUYỄN VĂN BÌNH
- Chức vụ: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền
13. Đồng chí PHẠM VĂN HƯỚNG
- Chức vụ: Trưởng phòng Thông tin – Tuyên truyền Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên Huế
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!