Còn sự chênh lệch trong tiếp cận dịch vụ sinh sản

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 05/05/2023 19:28 GMT+7

VTV.vn - Vẫn có sự chênh lệch giữa các vùng miền trong quá trình tiếp cận dịch vụ sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình.

Việt Nam có những tiến bộ đáng kể trong công tác nâng cao sức khỏe sinh sản cho người dân. Tỷ lệ trẻ tử vong trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần và tỷ lệ bà mẹ tử vong đã giảm mạnh trong 3 thập kỷ trở lại đây. Các chuyên gia đều dự đoán: Việt Nam chắc chắn sẽ đạt mục tiêu phát triển bền vững về những chỉ số này vào năm 2030.

Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch giữa các vùng miền trong quá trình tiếp cận dịch vụ sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình.

Theo nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại 60 xã khó khăn nhất ở 6 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, việc tiếp cận các dịch vụ khám thai của đồng bào dân tộc thiểu số là 16% (trong khi tỷ lệ chung của cả nước là 74%).

Còn sự chênh lệch trong tiếp cận dịch vụ sinh sản - Ảnh 1.

Tỷ lệ ca sinh được thực hiện bởi nhân viên y tế là 49% (trong khi tỷ lệ chung của cả nước là 94%). Tỷ lệ nhu cầu kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng của đồng bào Ba Na là 30,5%, Dao là 29,5%, Xơ Đăng là 26%, Mông là 22,5%, trong khi trung bình cả nước là 7%.

Rất nhiều chương trình, nhiều chính sách của Chính phủ được triển khai đến các xã đặc biệt khó khăn để cải thiện, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Các trạm y tế được ưu tiên đầu tư, nhân viên y tế được đào tạo. Nhưng tại nhiều nơi, chị em không đến trạm y tế khám thai hay sinh con. Vì sao lại như vậy?

Nơi 90% phụ nữ sinh con tại nhà

Làng Ar đết cách trung tâm xã Đê Ar, huyện Mang Yang, Gia Lai 12km. Người dân ở làng là đồng bào Ba Na. Đa số phụ nữ sinh con tại nhà.

Có nhiều nguyên nhân khiến người phụ nữ Ba Na sinh con tại nhà. Đường sá xa xôi, kinh tế khó khăn là một số lý do nhưng có làng chỉ cách trạm y tế 1-2 cây số, họ cũng không đến. Nguyên nhân chính vẫn là phong tục tập quán.

Còn sự chênh lệch trong tiếp cận dịch vụ sinh sản - Ảnh 2.

Những tập tục lâu đời của đồng bào rất khó thay đổi. Từ việc sinh ở ngoài vườn, giờ được vào nhà sinh con với họ đã là một sự thay đổi. Việc thuyết phục họ đến cơ sở y tế khám thai, sinh con vẫn còn là cả quá trình dài. Dù đã có không ít hậu quả.

Chị AM (xã Đê Ar, huyện Mang Yang, Gia Lai) mang thai ngôi ngược, cố sinh tại nhà không được, đến khi gọi nhân viên y tế đến đưa đi cấp cứu thì không kịp, em bé bị ngạt và tử vong.

Năm 2022 trong số 104 ca sinh ở Đê Ar, chỉ có 11 ca sinh tại cơ sở y tế, còn lại đều sinh tại nhà.

Xã Đê Ar là nơi đặc biệt khó khăn, chuyện vẫn còn sinh tại nhà phổ biến ở đây nhưng không phải là thực trạng phổ biến tại Gia Lai.

Năm ngoái, tại Gia Lai, có tới hơn 93% phụ nữ sinh con có cán bộ kỹ năng đỡ đẻ. Tuy nhiên, với mục tiêu không để ai bỏ lại phía sau, Gia Lai đang nỗ lực triển khai các chương trình hỗ trợ, truyền thông về sức khỏe sinh sản tại các địa bàn khó khăn. Từ năm 2021, một dự án của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc phối hợp với chương trình "MSD vì bà mẹ" đang triển khai tại Đê Ar và 13 xã khác của Gia Lai. Dự án này cũng đồng thời triển khai tại 60 xã đặc biệt khó khăn tại 6 tỉnh là Bắc Cạn, Lai Châu, Sơn La, Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai, nhằm giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ vùng dân tộc thiểu số.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Chị HNHACH - cô đỡ thôn bản, Xã Đê Ar, huyện Mang Yang, Gia Lai - mới được phát cho chiếc máy này để nghe tim thai. Khám thai xong, cô sẽ hướng dẫn tỉ mỉ cho các mẹ bầu cách chăm sóc sức khỏe bằng quyển sách tranh rất dễ hiểu.

Còn sự chênh lệch trong tiếp cận dịch vụ sinh sản - Ảnh 3.

Các cô đỡ thôn bản, các cán bộ nhân viên y tế tại 60 xã đặc biệt khó khăn của 6 tỉnh miền núi được tập huấn về truyền thông cộng đồng làm mẹ an toàn, kế hoạch hóa gia đình. Các tài liệu, video truyền thông đều rất dễ hiểu, có cả bằng 6 tiếng dân tộc thiểu số. Dự án cũng đã phát máy siêu âm, thiết bị siêu âm doppler thai nhi đến các tỉnh, huyện, xã trong dự án.

Dự án còn tiếp tục đến tháng 9/2024, đào tạo kỹ năng cấp cứu sản khoa, cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn, truyền thông chuyển đổi hành vi cho cán bộ y tế, cô đỡ thôn bản.

Vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản phải vượt qua, để những người phụ nữ dân tộc thiểu số có thể chủ động tiếp cận các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, có một quá trình mang thai an toàn, sinh con khỏe mạnh.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước