Riêng tại tỉnh Bạc Liêu, do chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây tình trạng sạt lở bờ biển, vùng cửa sông, suy thoái rừng ngập mặn ven biển và sạt, trượt bờ sông. Chỉ tính từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 16 điểm sạt lở bờ sông, đê biển, 14 đợt lốc xoáy làm sập, tốc mái trên 200 căn nhà, tổng thiệt hại ước tính trên 11 tỷ đồng. Theo đó, Lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với các ngành chức năng tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả “Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn toàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030”.
Đồng thời, bố trí lực lượng rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp… để tổ chức di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm khi hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân; kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng bảo đảm an toàn giao thông qua các khu vực bị sạt lở, nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông khi chưa đảm bảo an toàn, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.
Công an Bạc Liêu tham dự hội nghị triển khai Luật Bảo vệ môi trường
Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng ngừa sự cố thiên tai, những năm qua, Công an tỉnh Bạc Liêu đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Quân sự, Biên phòng, các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp trong chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống các sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ. Thường xuyên phổ biến, quán triệt thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương; phát huy vai trò nồng cốt, xung kích tuyến đầu của lực lượng Công an trong phòng chống thiên tai.
Với phương chạm “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ và hậu cầu tại chỗ, lực lượng Công an các cấp luôn chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch, huy động lực lượng, phương tiện và tổ chức ứng trực, bảo đảm các điều kiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Đặc biệt, chú trọng xây dựng các lực lượng có vai trò nòng cốt trong ứng phó sự cố, thiên tai như: lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Cảnh sát giao thông, lực lượng Cảnh sát cơ động thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ, lực lượng thường trực, dự bị chiến đấu của Công an tỉnh, nhất là Công an cấp xã tham gia các lớp tập huấn, huấn luyện kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự; thường xuyên phối hợp tổ chức diễn tập một số tình huống phòng, chống cháy nổ, cứu nạn cứu hộ phức tạp, sơ tán người dân, tài sản… Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cho toàn lực lượng khi có sự cố xảy ra.
Lực lượng Công an ra quân vệ sinh môi trường hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học
Ngoài ra, nhằm kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi sai phạm trên lĩnh vực này, thời gian qua, lực lượng Công an các cấp trong tỉnh thường xuyên nắm tình hình địa bàn, tuyến, mục tiêu, lĩnh vực. Kịp thời phát hiện sơ hở, thiếu sót, bất cập trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, qua đó phát hiện và xử lý hàng chục vụ vi phạm về khai thác, tập kết khoáng sản trái phép, vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất, quản lý, bảo vệ rừng, hoạt động xây dựng, nhất là hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng; kịp thời khởi tố, truy tố đối với các trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh các mặt công tác nghiệp vụ, lực lượng Công an tỉnh Bạc Liêu còn thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương làm tốt công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn cơ sở. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt; tập huấn kỹ năng ứng phó, di tản khi xảy ra sự số. Nâng cao kiến thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; tích cực phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, hành vi khai thác khoáng sản, tài nguyên môi trường trái phép nói riêng.
Những năm qua, tình hình thiên tai, bão lũ, thời tiết cực đoạn trên phạm vi toàn quốc ngày càng gia tăng. Đặc biệt, ảnh hưởng và hậu quả của cơn siêu bão Yagi ở miền Bắc là vô cùng nặng nề. Tại tỉnh Bạc Liêu, tuy không thường xuyên đối mặt với những cơn bão lớn, song tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm ngập mặn,… là nguy cơ đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, đời sống của người dân cũng như ảnh hướng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Trước tình hình trên, bên cạnh vai trò nòng cốt, xung kích tuyến đầu của lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng Công an, đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng như các tổ chức, cá nhận và cộng đồng xã hội trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự. Phải quán triệt, nhất quán theo đúng quan điểm chỉ đạo "phòng, chống thiên tai và phòng thủ dân sự là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị", qua đó, góp phần bảo vệ, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng, hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra, phục vụ sự phát triển ổn định, bền vững của tỉnh nhà.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!