Tập trung ứng phó với bão số 8 và mưa lũ sau bão

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 12/10/2021 19:28 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 1323/CĐ-TTg ngày 10/10/2021.

Để chủ động ứng phó bão, lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1323/CĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2021, đồng thời chủ động theo dõi chặt chẽ, triển khai kịp thời, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến, tình hình cụ thể tại địa phương, trong đó tập trung:

1.Bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, cửa sông và tại khu neo đậu; đảm bảo an toàn cho người trên lồng bè nuôi trồng thủy hải sản và trên các đảo.

2. Chủ động rà soát, sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

3. Triển khai công tác bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố.

4. Kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời diễn biến bão, mưa lũ để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

6. Bộ Công Thương chỉ đạo công tác vận hành đảm bảo an toàn hồ đập thuỷ điện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp.

7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, nhất là hồ đập xung yếu, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

8. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

9. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án ứng phó, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ thu hoạch lúa, hoa màu, sơ tán, di dời dân cư, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ khi có yêu cầu.

10. Bộ Công an phối hợp với chính quyền các địa phương và các Bộ, ngành có liên quan thông tin kịp thời, khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển qua vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ, sạt lở; chỉ đạo, triển khai phương án hỗ trợ, bảo đảm an toàn đối với những người dân đang di chuyển từ các tỉnh phía nam ra phía bắc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

11. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng, đưa tin kịp thời về diễn biến của bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

12. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, chủ động chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại; tổ chức các đoàn kiểm tra chỉ đạo, đôn đốc công tác ứng phó tại các địa phương.

Tập trung ứng phó với bão số 8 và mưa lũ sau bão - Ảnh 1.

Hình ảnh hướng di chuyển của bão số 8.

Như vậy, ngay sau khi bão số 7 vừa tan, bão số 8 đã đi nhanh vào biển Đông và sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta từ chiều mai (13/10). Bão chồng bão, nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất là rất cao. Trước tình hình đó, ngay chiều 12/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp bàn các biện pháp ứng phó. Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh bão số 8 di chuyển nhanh, sức gió mạnh, từ tối và đêm mai, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta. Phó Thủ tướng nêu rõ phải cấp bách triển khai các biện pháp ứng phó. Các địa phương cần hết sức tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyệt đối không được chủ quan, bằng mọi cách giữ vững những kết quả đạt được trong công tác phòng chống thiên tai.

Các địa phương ven biển cần khẩn trương nắm chắc tình hình tàu thuyền trên biển, lồng bè, người dân đang làm việc trong rừng, tại các khu vực nguy hiểm để kêu gọi di chuyển đến nơi an toàn. Tuyệt đối không để bà con còn trên vùng biển nguy hiểm khi bão đổ bộ.

Rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm. Tách riêng khu sơ tán và khu cách ly dịch COVID-19. Đối với người dân đang trên đường về quê từ các tỉnh phía Nam cần hỗ trợ, nhất là lương thực và nơi tránh trú khi mưa bão xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước