COVID-19 Phòng và Chống

Cứ tiêm vaccine rồi là có thể "vô tư" với COVID-19?

Ban Khoa giáo-Thứ bảy, ngày 21/08/2021 22:32 GMT+7

VTV.vn - Các chuyên gia cho rằng, sau khi tiêm vaccine, cơ thể người cần thời gian để sản sinh ra kháng thể chống lại COVID-19. Và cách tốt nhất để bảo vệ bản thân vẫn là "5K"

Bao lâu sau tiêm cơ thể người mới sản sinh ra kháng thể chống COVID-19?

Sau gần 2 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, vaccine vẫn là vũ khí được toàn nhân loại trông chờ. Hiện nay, Việt Nam đang mở chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với số lượng tiêm lên hàng triệu mũi được thực hiện trong thời gian ngắn.

Những vaccine đang được sử dụng tại Việt Nam như Astra Zeneca, Moderna, Pfizer, Sinopharm… đều đã được kiểm duyệt thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và đều cho thấy khả năng bảo vệ người được tiêm chủng, chống lại việc mắc COVID-19 thể nặng.

Với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 như hiện nay, tiêm vaccine được coi là phương pháp hữu hiệu để ngăn chặn virus Sars-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể. Và điều nhiều người quan tâm là cần bao lâu sau khi tiêm để cơ thể có thể sản sinh ra kháng thể chống lại virus?

Theo PGS. TS Dương Thị Hồng, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sau khi tiêm vaccine mũi 1 khoảng 12-15 ngày, cơ thể người tiêm đã có thể sản sinh ra kháng thể chống chọi lại với virus gây COVID-19. So sánh giữa các loại vaccine hiện đang lưu hành, bà Dương Thị Hồng cho biết tỷ lệ miễn dịch trên cơ thể người của các loại vaccine tiêm khá tương đương nhau (đều trên 60%). "Sau khi tiêm mũi 2 khoảng 14 ngày, miễn dịch của người được tiêm sẽ tăng lên khoảng 80%. Đối với một số loại vaccine, tỷ lệ này có thể cao hơn nữa, đạt trên 90%" – bà Hồng cho biết thêm.

Phân biệt các loại vaccine chống COVID-19 đang lưu hành

Hiện tại, vaccine phòng ngừa COVID-19 đang lưu hành tại Việt Nam được sản xuất theo 2 phương thức khác nhau: Vaccine mRNA (Pfizer, Moderna) và Vaccine Vector (Astra Zeneca).

Vaccine mRNA: chứa vật chất từ virus gây bệnh COVID-19 để cung cấp hướng dẫn cho tế bào chúng ta về cách tạo ra các protein vô hại riêng có với virus đó. Sau khi tế bào của chúng ta tạo ra các bản sao protein đó, chúng phá hủy các vật chất di truyền từ vaccine. Cơ thể chúng ta ghi nhận rằng protein không nên ở đó và tạo các tế bào lympho T và lympho B sẽ ghi nhớ cách chống lại virus gây bệnh COVID-19 nếu chúng ta nhiễm bệnh trong tương lai.

Vaccine Vector: có chứa một phiên bản điều chỉnh của loại virus khác với loại gây bệnh COVID-19. Bên trong vỏ tế bào virus điều chỉnh có vật liệu từ virus gây bệnh COVID-19. Vật liệu này được gọi là "vector virus". Sau khi vector virus vào trong tế bào của chúng ta, vật chất di truyền sẽ cung cấp các hướng dẫn cho tế bào tạo protein riêng có với virus gây bệnh COVID-19. Dùng các hướng dẫn này, tế bào của chúng ta tạo ra các bản sao protein đó. Điều này thúc đẩy cơ thể chúng ta tạo tế bào lympho T và lympho B ghi nhớ cách chống lại virus đó nếu chúng ta bị lây nhiễm trong tương lai.

Tuy nhiên, như các chuyên gia, dựa trên những nghiên cứu khoa học, cơ thể người vẫn cần khoảng thời gian trên dưới 14 ngày để có thể sản sinh ra kháng thể chống lại virus xâm nhập. Chính vì lẽ đó, để trả lời cho câu hỏi làm thế nào để bảo vệ bản thân sau khi tiêm, đặc biệt là khi cơ thể chưa sản sinh ra kháng thể chống lại COVID-19, BS Nguyễn Tá Dũng, Giám đốc Trung tâm Bác sĩ Gia đình Hà Nội cho biết: Phương pháp hữu hiệu nhất để phòng dịch bệnh, đó chính là việc chúng ta tiếp tục thực hiện thật tốt "Thông điệp 5K".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước