Nệm, mái tôn, gỗ, thậm chí những chiếc dây neo thuyền và nhiều vật dụng sinh hoạt khác là những rác thải mà Tổ kỹ thuật môi trường, Ban Quản lý vịnh Cát Bà vớt được trong nhiều ngày qua sau khi cơn bão số 3 đi qua. Với lượng rác thải lớn, dự kiến phải mất hơn 2 tuần nữa công việc dọn dẹp mới hoàn thành. Với 5 thuyền và 20 nhân sự, hơn nửa tháng qua, các thành viên của đội kỹ thuật môi trường, Ban Quản lý vịnh Cát Bà chưa nghỉ ngày nào.
Bình thường khi chưa có bão, nhiệm vụ của chúng tôi là thu gom, vớt rác thải trôi nổi do dòng hải lưu vào, lượng rác 5-7 khối/ngày. Nhưng sau khi bão về thì lượng rác rất nhiều, lên đến 20-30 khối/ngày", ông Nguyễn Hồng Vân, Tổ trưởng Tổ kỹ thuật môi trường và bảo tồn, Ban Quản lý vịnh Cát Bà cho biết.
Mưu sinh hơn 20 năm trên biển, lần đầu tiên, nhà bà Diện bị hư hỏng nặng đến vậy: Tốc mái, đổ gần hết vách tường. Nhưng đến hôm nay, công việc sửa chữa đã dần hoàn tất.
Bà Lê Thị Diện, Hộ nuôi trồng thuỷ hải sản, huyện Cát Hải chia sẻ: "Mọi người động viên nhau khắc phục, khắc phục, còn người còn của".
"Cố khắc phục, còn người còn của" với tinh thần ấy, công việc nuôi trồng thuỷ hải sản trên Vịnh đã trở lại gần như trước đây.
Những chiếc thuyền bán hàng qua lại, những bữa cơm trong căn nhà có mái, có tường hay đơn giản là tiếng cá quẫy khi được cho ăn… những âm thanh, hình ảnh quen thuộc, bình dị ấy đã cho thấy nhịp đập đã trở lại bình thường của cuộc sống miền biển nơi tâm bão lịch sử đi qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!