Đã cấp căn cước gắn chip cho hơn 2 triệu trường hợp

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 05/08/2024 09:31 GMT+7

Đến 1/8, Bộ Công an đã cấp căn cước gắn chip cho tổng cộng 2.195.938 trường hợp trên cả nước. (Ảnh: PLO)

VTV.vn - Chỉ trong 1 tháng qua, Bộ Công an đã triển khai thực hiện cấp căn cước gắn chip cho tổng cộng hơn 2 triệu trường hợp trên cả nước.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương (Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an), từ ngày Luật Căn cước có hiệu lực (1/7/2024) đến ngày 1/8, chỉ trong vòng 1 tháng, Bộ Công an đã triển khai thực hiện cấp căn cước gắn chip cho tổng cộng 2.195.938 trường hợp trên cả nước.

Trong đó, đối với công dân dưới 6 tuổi khi thực hiện thủ tục cấp căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học. Người đại diện hợp pháp của công dân thực hiện thủ tục cấp căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia VNeID. Đến nay, Bộ Công an đã cấp căn cước cho 770.549 trường hợp.

Với công dân từ đủ 6 đến dưới 14 tuổi, khi thực hiện thủ tục cấp căn cước cần phải đi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thực hiện quy trình cấp căn cước do phải thu nhận sinh trắc học. Kết quả đến nay đã cấp căn cước cho 689.085 trường hợp.

Đối với người dưới 14 tuổi, thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân của công dân được sử dụng trong các giao dịch, thủ tục hành chính đảm bảo đầy đủ quyền lợi của công dân theo quy định. Một số trường hợp cụ thể sẽ sử dụng căn cước trong các thủ tục đi lại (đi máy bay, tàu hỏa…), học tập, khám chữa bệnh…

Với công dân từ đủ 14 tuổi, Bộ Công an đã cấp căn cước 736.304 trường hợp.

Việc cấp căn cước gắn chip cho người dân mang lại nhiều lợi ích như: thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch ngân hàng, y tế và nhiều dịch vụ công khác một cách dễ dàng, nhanh chóng, bảo mật thông tin cá nhân, giảm nguy cơ bị mất hoặc lạm dụng thông tin.

Bên cạnh đó, căn cước điện tử có thể tích hợp nhiều chức năng khác nhau như chữ ký điện tử, thẻ bảo hiểm y tế và các dịch vụ công khác.

Ngoài ra, việc cấp căn cước điện tử góp phần hiện đại hóa quản lý, giúp các cơ quan Nhà nước hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn; giúp giảm bớt các thủ tục giấy tờ, từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người dân và cơ quan Nhà nước; dữ liệu chính xác và kịp thời khi hệ thống căn cước điện tử giúp các cơ quan Nhà nước có thể thu thập và quản lý dữ liệu dân cư một cách chính xác và kịp thời, từ đó hỗ trợ việc ra quyết định và xây dựng chính sách.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương cho biết, trong quá trình thực hiện, lực lượng công an cũng gặp không ít khó khăn, trong đó quy trình cấp căn cước so với trước đây có điều chỉnh, bổ sung, ví dụ như: mở rộng các đối tượng cấp; bổ sung thêm thông tin sinh trắc học mống mắt (bắt buộc) và ADN, giọng nói (khi công dân có nhu cầu); bổ sung thêm nội dung cấp Giấy chứng nhận cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch...

Những nội dung mới này đòi hỏi phải điều chỉnh, bổ sung các văn bản pháp lý hướng dẫn thi hành, đồng thời phải nghiên cứu, đầu tư các giải pháp công nghệ, hạ tầng kỹ thuật để triển khai theo đúng yêu cầu, quy định của Luật Căn cước.

Làm căn cước mới nhưng cố tình không nộp CCCD cũ có bị phạt? Làm căn cước mới nhưng cố tình không nộp CCCD cũ có bị phạt?

VTV.vn - Nhiều người dân đi làm thẻ căn cước nhưng vẫn cố tình giữ lại căn cước công dân cũ vì nhiều lý do, điều này có trái quy định?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước