Ngành y tế Đăk Nông đã lập các chốt chặn không cho người bên ngoài đi vào vùng có dịch và ngược lại. Đồng thời, tiến hành khử khuẩn 100% đối với môi trường trong khu vực dân cư, trường học và trạm y tế nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
Người dân trong khu vực này cũng được ngành y tế cho dùng thuốc để điều trị dự phòng, đồng thời lấy mẫu gửi đi xét nghiệm tại Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Ngành y tế tỉnh cũng điều trị dự phòng bằng kháng sinh và tiêm vaccine phòng chống dịch cho khoảng 350 người từ 7 tuổi tới dưới 40 tuổi quanh khu vực.
Khu vực các ổ dịch bạch hầu là vùng sâu vùng xa, tập trung chủ yếu người H'Mông.
Theo thống kê điều tra của Sở Y tế, khu vực các ổ dịch là vùng sâu vùng xa, nơi tập trung chủ yếu người H'Mông, sự hiểu biết về dịch bệnh và ý thức trách nhiệm về việc đưa trẻ đi tiêm chủng còn hạn chế. Ngành Y tế tỉnh đã chủ động khoanh vùng, mở rộng khám sàng lọc nhằm ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đăk Nông - ông Hà Văn Hùng cho biết: "Chủ động đi điều tra, khám sàn lọc, nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ cho lấy mẫu làm xét nghiệm và cho điều trị dự phòng. Đồng thời, lập danh sách để chủ động tiêm chủng bổ sung, ngăn chặn lây lan trong cộng đồng người H'Mông".
Trước đó, ổ dịch đầu tiên được ghi nhận trên địa bàn tỉnh Đăk Nông tại Trung tâm Ngôi nhà may mắn (huyện Krông Nô) hiện đã hết thời gian cách ly. 4 cháu bị mắc bệnh cũng đã được xét nghiệm âm tính lần thứ 3. Trong thời gian tới, ngành y tế tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.
Như đã đưa tin, ngày 19/6, em Sùng T. H (9 tuổi, trú tại xã Quảng Hòa) được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Nông trong tình trạng ho, đau họng, khó thở… Bệnh nhân tiếp tục biến nặng và được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM. Đến sáng 20/6, bệnh nhân H. tử vong với nguyên nhân được xác định nhiễm “Bạch hầu ác tính biến chứng tim”.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!