Thảo luận về kinh tế - xã hội chiều 4/11, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nêu thực trạng nhiều nhân lực khu vực công chuyển sang khu vực tư, trong đó phần lớn là nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, việc thu hút nhân tài vào khu vực công vẫn còn gặp khó khăn nhất định. Mức lương khởi điểm của công chức không đủ thuê nhà ở các thành phố lớn.
Ông Hà Sỹ Đồng nhắc lại tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định các luật về đầu tư có nhiều điểm mới rất đột phá, giải phóng được sức sản xuất, khơi thông được các nguồn lực, nhất là những lĩnh vực mới.
"Nhưng theo tôi, để gỡ được điểm nghẽn thể chế thì rất cần tháo gỡ về nhân lực. Bởi, nhân lực thực sự cũng đang bị nghẽn", đại biểu cho hay.
Đại biểu cho biết thời gian qua, việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương được nhắc đến rất nhiều. Báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, ở kỳ họp này có nhiều đại biểu phát biểu, những tranh luận kéo dài về việc chữa bệnh cán bộ công chức sợ sai, sợ trách nhiệm. Kết quả xếp loại chất lượng công chức trong năm 2023 chỉ có 6,57% là không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ thực tế trên, đại biểu đặt câu hỏi đã đánh giá đúng tình hình chưa?
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị)
"Về cải cách tiền lương, không thể phủ nhận nỗ lực tăng lương cơ sở 30% của năm nay. Cho dù như vậy, một cán bộ, công chức mới được tuyển dụng dù xuất sắc đến đâu thì lương cũng mới chỉ đủ tiền thuê nhà ở mức bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện chứ chưa nói đến những nhu cầu chính đáng khác", đại biểu cho hay.
Vì vậy, nhiều địa phương đã xin cơ chế riêng để thu hút nhân tài. Đại biểu đề xuất từ Chính phủ có những đột phá về nhân lực mới gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước.
Phát biểu tranh luận về nguồn nhân lực, đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) đề nghị nước ta cần nhanh chóng nghiên cứu chính sách dân số, trước thách thức già hóa dân số.
Ông Vũ Trọng Kim cho rằng, có nguồn nhân lực tốt mới giữ được đà tăng trưởng 6-7% cho những năm tới, đồng thời chuẩn bị kỹ để làm chủ nền công nghiệp hiện đại, thu nhập cao sẽ đến trong tương lai gần.
Về vấn đề tinh giản biên chế bộ máy hành chính cấp huyện, xã, đại biểu đề nghị cần "cách mạng hóa" về biên chế, bộ máy từ Trung ương đến địa phương.
Nếu giảm biên chế, đại biểu nêu 2 ưu điểm là giảm người sách nhiễu và tăng lương cho cán bộ mẫn cán. Như vậy, cán bộ sẽ chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Cũng liên quan đến vấn đề lương của công chức, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm, cần có sự đột phá về tư duy và sử dụng con người. Bên cạnh đó, cần công bố mức sống thối tiểu để làm căn cứ tính mức lương tối thiểu...
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân
Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, trong thực tế, nhiều năm qua, Chính phủ chưa bao giờ công bố mức sống tối thiểu và cũng chưa công bố mức lương tối thiểu để đảm bảo cuộc sống đầy đủ, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước. Trong khi đó, ở các nước đã công bố mức sống tối thiểu, lương tối thiểu và lương đủ sống tối thiểu.
Để đảm bảo phát triển bền vững đất nước, vừa qua, cử tri có phản ánh là có quyết định của Chính phủ hỗ trợ cho người thu nhập thấp học nghề nhưng trong 4 năm qua, các địa phương không thể áp dụng được vì không có quy định thế nào là thu nhập thấp. Do đó, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội công bố số liệu này.
Ngoài ra, thực hiện tinh thần Nghị quyết của Đảng năm 2018 bàn về vấn đề cải cách tiền lương có giao cho cơ quan thống kê Nhà nước công bố mức sống tối thiểu làm cơ sở công bố tiền lương tối thiểu. Tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện được nhiệm vụ này thì đề nghị Chính phủ trong năm 2025 nên làm để có cơ sở hoạch định mức sống tối thiểu và phát triển sắp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!