Dâng hương trong đời sống của người Việt

Văn Lang-Thứ sáu, ngày 09/02/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Trong văn hóa Việt Nam, thắp hương số lẻ sẽ mang dương khí, đem lại may mắn. Khi dâng hương nên chú trọng vào ý nghĩa con số, số lẻ mang nhiều ý nghĩa linh thiêng hơn.

Dâng hương hay thắp hương là nét đẹp của đời sống, là phong tục lâu đời của nhiều nền văn hóa phương Đông, trong đó có Việt Nam. Gắn bó với thiên nhiên, con người của văn minh nông nghiệp có truyền thống tôn thờ các vị thần của tự nhiên, có truyền thống uống nước nhớ nguồn, luôn hướng về nguồn cội với tấm lòng tôn kính.

Trong văn hóa Việt Nam, phong tục thắp hương hay dâng hương xuất phát từ sự thành tâm, nén hương trở thành nhịp cầu giao nối giữa con người với thần linh, giữa người đang sống với những người đã khuất. Việc dâng hương mang ý nghĩa tôn kính, linh thiêng trở thành thuần phong mỹ tục, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay đã xuất hiện nhiều biến tướng làm thay đổi nhận thức và hành vi của con người khi dâng hương.

Nhằm tìm hiểu thêm về phong tục dâng hương truyền thống vào dịp Tết đến xuân về, phóng viên VTV Times đã có cuộc trao đổi với TS. văn hóa học Nguyễn Thị Hồng và ông Biện Cường - chuyên gia trầm hương về câu chuyện dâng hương trong đời sống văn hóa của người Việt.

Nguồn gốc hàng nghìn năm của phong tục dâng hương

Đề cập nguồn gốc của việc dâng hương, TS. văn hóa học Nguyễn Thị Hồng cho biết, người Ai Cập cổ đại hơn 3.500 năm trước đã dùng một loại giấy được chế tác từ cây Papyrus mọc rất nhiều bên bờ sông Nin, bên trong là các loại cỏ thơm và thảo dược đã được nghiền nát, trộn với nước nguồn từ sông Nin. Những cây hương to và dài được đốt để cúng tế các vị thần, để thể hiện lòng thành kính của người dân, hương thơm từ cỏ thơm và thảo dược làm con người cảm thấy ấm áp, bình an, cảm thấy được các phúc thần che chở, phù hộ.

Dâng hương trong đời sống của người Việt - Ảnh 1.

T.S chuyên ngành Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng.

Theo con đường hoằng dương Phật pháp, kỹ thuật sản xuất hương thơm đến với Trung Quốc cổ đại. Nhà Hán đã nhanh chóng sử dụng tri thức y học của mình, không chỉ tiếp nhận nguyên liệu từ Ấn Độ mà tự điều chế để sản xuất hương thơm, biến nó thành sản vật của giới cung đình trong nghi lễ, thành món quà giao tiếp với lân bang, thành phần thưởng ban cho các quan thần trong vương tộc. Các triều đại phong kiến của Trung Quốc đã bổ sung hương thơm của các loại hoa, của quế Cassia, của trầm hương, long não, gỗ đàn hương và từ cả xạ hương.

Từ đó, vật phẩm này trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, thành phong tục của đời sống, dần đi vào các ngày lễ, Tết của các quốc gia có tinh thần Nho giáo, trong đó có Việt Nam. Hương được sử dụng trong mọi tầng lớp, từ thượng lưu đến bình dân, được dùng trong hoạt động thờ cúng, trong nghi lễ tang ma, trong mọi biểu hiện của sự thăng hoa cảm xúc.

Tại Việt Nam, văn hóa thắp hương cũng trở thành phổ biến trong đời sống, không chỉ chốn cung vua phủ chúa mà cả chốn làng quê yên bình. Sau lũy tre xanh, nhiều làng nghề sản xuất hương được hình thành, gắn với lịch sử của dân tộc. Mỗi vùng miền, mỗi làng nghề có quy trình sản xuất riêng, sản vật có hương thơm và hình dáng đặc trưng, gắn với thổ ngơi và đặc trưng văn hóa tộc người.

Với một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc như Việt Nam, với gần 9.000 lễ hội và 12 cái Tết trong năm, phong tục thắp hương đã nhanh chóng lan truyền sâu rộng. Khói hương bảng lảng đượm chút u hoài trở thành nhịp cầu linh diệu kết nối người đang sống với ông bà tổ tiên, với thần linh, kết nối cõi thực với cõi thiêng, tạo nên nét đẹp truyền thống, gần gũi và trang nghiêm.

Ý nghĩa của việc dâng hương đối với người Việt

TS. văn hóa học Nguyễn Thị Hồng cho rằng, dâng hương được người Việt Nam coi là phương thức giao tiếp với thần linh, tổ tiên. Trong gia đình người Việt Nam bao giờ cũng có bàn thờ đặt ở nơi trang trọng nhất. Nỗi nhớ quê hương và đạo lý uống nước nhớ nguồn được ký thác vào khói hương mờ ảo, họ thấy ấm cúng vì hương gọi khói mời, khói hương đã kết nối tâm linh, xóa đi mọi khoảng cách về thời gian và không gian.

Dâng hương trong đời sống của người Việt - Ảnh 2.

Dâng hương có nhiều ý nghĩa trong văn hóa người Việt

Dâng là thể hiện sự thành kính, thành tâm, hương là sự thơm thảo của tấm lòng, là hương vị của tình nghĩa chứ không chỉ là mùi vị của vật phẩm. Hương thơm thẩm thấu trong không gian, bay theo làn khói mỏng manh, khiến lòng người an yên, tĩnh tại. Hương thơm thanh lọc tâm hồn, thanh lọc không gian sống bao bọc xung quanh con người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Cho nên việc dâng hương trở thành mỹ tục, thành nét đẹp của đời sống văn hóa.

Dâng hương là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể hiện lòng tri ân của con người đối với thần linh và tổ tiên. Đạo lý đó chi phối nếp cảm, nếp nghĩ và hành vi con người khi dâng hương trước nơi thờ tự linh thiêng. Khi dâng hương, người Việt thể hiện lòng thành với thần linh, với tổ tiên, cầu xin thần linh, tổ tiên ban phúc lộc, may mắn, cho mọi sự hanh thông. Vì thế người Việt thực hành nghi lễ dâng hương không chỉ vào dịp lễ Tết, lễ hội, mà trong mọi thời khắc của nhịp sống đời thường. Trên bàn thờ những khi ấy sẽ được gia chủ sắm đồ lễ, bàn thờ dọn gọn gàng và hương thơm được thắp lên để tạo không gian linh thiêng, huyền bí, ấm áp và sâu lắng, thể hiện lòng tri ân của gia chủ.

Khi dâng hương, con người cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực mà các vị thần linh, tổ tiên ông bà ban cho, bởi khi đó con người đang trực tiếp bày tỏ sự tin tưởng, lòng tôn kính của mình với các đấng bề trên. Cho nên dâng hương là thể hiện niềm tin linh thiêng của tín ngưỡng vạn vật hữu linh, để ký thác và gửi gắm trong nghi thức này khát vọng sống tốt đẹp, hạnh phúc của chính con người. Bởi vậy khi thắp nhang là con người cúi đầu, khẩn thiết cầu xin thần linh, tổ tiên phù hộ độ trì. Họ tin rằng tấm lòng thành kính của mình sẽ được thần linh, tổ tiên chứng giám.

Trong văn hóa Việt Nam, thắp hương số lẻ sẽ mang dương khí, đem lại may mắn. Khi dâng hương nên chú trọng vào ý nghĩa con số, số lẻ mang nhiều ý nghĩa linh thiêng hơn.

Nhưng khi nào thì thắp bao nhiêu cây hương là vấn đề cần quan tâm. Có người cho rằng thắp một cây hương thường được dùng trong gia đình, với ý nghĩa thành tâm cầu mong thần linh, tổ tiên phù hộ cho gia đình bình an, may mắn.

Thắp ba cây hương thường được sử dụng vào các ngày lễ, Tết, ngày Sóc, ngày Vọng. Theo Phật giáo, ba cây hương được gọi là tam bảo hương, biểu trưng cho Phật, Pháp, Tăng.

Thắp năm cây hương thường được sử dụng khi trong nghi lễ của dòng họ, dòng tộc, quốc gia, với ý nghĩa cầu Ngũ phương, Ngũ thổ, Ngũ hành, cầu mong quốc thái dân an. Vì thế người Việt Nam chủ yếu thắp một hoặc ba cây hương khi thực hiện nghi lễ dâng hương tại gia hoặc tại các nơi thờ tự liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

"Quan trọng là khi dâng hương, chúng ta phải thành tâm và tôn kính. Phải dùng cả hai tay dâng hương, cắm từng nén hương cho ngay thẳng, cây hương đứng thẳng biểu đạt tấm lòng ngay thẳng của con người. Đồ lễ không cần nhiều, bởi quan trọng nhất là sự thành tâm của con người. Nén hương biểu tượng cho tấm lòng thành kính của người đang sống với người đã khuất, là sợi dây liên lạc với thế giới tâm linh, được thắp lên với lòng thành kính" – bà Hồng phân tích.

Quan điểm "hương quăn tàn, đậu tàn thì mới có lộc" có đúng?

Trước quan điểm "hương quăn tàn, đậu tàn thì mới có lộc", ông Biện Cường, với kinh nghiệm gần 50 năm trong lĩnh vực sản xuất hương, cho rằng, sản xuất hương (nhang) truyền thống, từ xa xưa các cụ đã chọn những loại gỗ, lá, hoa, quả.. có chứa nhiều tinh dầu, bởi những loại đó mới có mùi thơm và giúp dễ cháy. Ngoài 2 tác dụng trên thì nguyên liệu làm hương phải tốt cho sức khỏe người sử dụng.

Dâng hương trong đời sống của người Việt - Ảnh 3.

Ông Biện Cường, chuyên gia về trầm hương.

Hiện nay quan niệm dâng hương có lộc khi tàn cong, tức là "quăn tàn, đậu tàn" đã hình thành trong tư tưởng của một số người, họ cho rằng tàn hương quăn là ông bà tổ tiên đang chứng giám và phù hộ độ trì cho con cháu. Có người còn quan niệm tàn hương càng quăn, may mắn càng nhiều, gia đình sẽ có nhiều tài lộc... nên lựa chọn các loại hương có quăn tàn, đậu tàn. Quan điểm đó là không đúng, thậm chí là gây hại cho bản thân và gia đình.

Để làm ra loại hương có quăn tàn, đậu tàn trên tăm hương thì người sản xuất phải sử dụng hóa chất độc hại. Người ta ngâm tăm hương vào dung dịch axit photphoric (H3PO4), khiến tăm hương có thể uốn cong sau khi cháy, tạo ra hiện tượng hương quăn tàn, đậu tàn. Tuy nhiên, hóa chất sinh ra sẽ gây khó thở, gây ngứa mắt, chảy nước mắt, gây ngứa mũi, hắt hơi... cho người sử dụng.

Vì thế hương quăn tàn, đậu tàn lúc này không mang lại tài lộc, may mắn mà gây tổn hại đến sức khỏe con người. Cho dù khi cắm hương thẳng, tàn hương không rơi ra ban thờ nhưng khói hương quăn tàn, đậu tàn cũng ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Theo nhà sản xuất Hương trầm Thiên Lộc, nhiều người sử dụng hương quăn tàn, không chỉ vì quan điểm may mắn tài lộc mà còn do lười lau dọn ban thờ sau mỗi lần thắp hương. Chính vì thế, trước hết là từ bỏ thói quen sử dụng hương quăn tàn, đậu tàn, bởi "hàng tự nhiên thì chắc chắn không thể có quăn tàn, đậu tàn nhiều thư thế". Chúng ta cũng có thể mua dụng cụ hứng tàn để trên miệng bát hương, mỗi khi hương cháy thì sẽ gom tàn vào trong bát hương, giúp cho bát hương vượng hơn. Tiếp theo, khi lựa chọn mua hương, đừng ham hương rẻ bởi nguyên liệu như quế, hồi, thảo quả... thì không thể rẻ.

Dâng hương trong đời sống của người Việt - Ảnh 4.

Nguyên liệu và các sản phẩm hương trầm được sản xuất 100% nguyên liệu từ thiên nhiên.

Khi các nhà sản xuất đã sử dụng hóa chất thì không chỉ mỗi ở tăm hương mà cả chất tạo màu, tạo mùi chất giúp dễ cháy cũng đều từ hóa chất, chúng ta có thể nhận biệt biết hương hóa chất mấy yếu tố sau: quăn tàn, đậu tàn, hương chưa đốt mà vẫn thấy mùi thơm lừng, đốt lên thì thấy mùi khét nhiều hơn mùi thơm, khói nghi ngút, cay mắt, cháy nhanh, màu sắc không phải màu của nguyên liệu khô tự nhiên mà trắng nhạt, vàng, tím, xanh....

Hương sạch sẽ có mùi thơm tự nhiên, dịu nhẹ, không gây đau đầu, buồn nôn hay khó thở, màu sắc là màu của nguyên liệu khô, không quăn tàn, đậu tàn, không cháy quá nhanh và chắc chắn là không có giá rẻ.

"Thắp hương là để kết nối tâm linh, để thể hiện lòng thành kính, chính vì thế, trước hết phải là hương sạch, sạch từ nguyên liệu đến sản xuất. Dâng hương là mỹ tục trong văn hóa Việt Nam, cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống hôm nay, để văn hóa thực sự là nguồn lực xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc" - ông Biện Cường nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước